Ngành Điện còn độc quyền?
Thời gian qua, cũng không ít ý kiến cho rằng, ngành Điện được bao cấp, được sử dụng vốn ngân sách để đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, vì vậy phải đảm bảo đủ điện cho nhân dân, thế nhưng ngành Điện rất độc quyền. Thậm chí ngay cả khi người dân chất vấn về “sự độc quyền” này thì CBCNV ngành Điện ở các địa phương cũng không giải thích được rằng độc quyền ở đâu và có đúng là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang độc quyền hay không?
Có một điều mà nhiều người chưa hiểu, ở Việt Nam hoạt động điện lực hiện vẫn có tính độc quyền, nhưng đó là độc quyền Nhà nước, còn EVN chỉ là công cụ thực hiện. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương từng bước thị trường hóa lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện, nhưng nếu Nhà nước không giữ vai trò chủ đạo, thì đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ chẳng bao giờ có điện, bởi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không bao giờ “dại” gì đầu tư vào khu vực mà khả năng thu hồi vốn chậm, tính rủi ro cao. Để xây dựng một đường dây 110 kV, 35 kV cung cấp điện cho địa bàn miền núi, nhiều nơi phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mà muốn thu hồi nguồn vốn đó phải mất vài ba chục năm, thậm chí 50 năm. Theo số liệu của cơ quan chức năng Bộ Công Thương, đến hết năm 2016, EVN đã đưa điện lưới quốc gia tới 99,96% số xã và 98,95% số hộ dân nông thôn, 10/12 huyện đảo và mục tiêu là đến năm 2020 sẽ phấn đấu 100% số hộ dân được sử dụng điện. Đây là thành tựu hết sức quan trọng của chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo của Chính phủ mà công lớn thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Do đó, Nhà nước phải độc quyền để có cơ chế phù hợp cả về vấn đề đầu tư và ưu đãi, hỗ trợ người dân vùng nông thôn, các gia đình chính sách trong công tác sử dụng điện phát triển sản xuất và sinh hoạt, góp phần nâng cao dân trí…
EVN có được bao cấp?
Câu hỏi này thường hay gặp ở bất cứ chỗ nào và cũng nhiều người cứ lầm tưởng Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, được Nhà nước bao cấp. EVN đang gánh trên vai trọng trách đảm bảo nhu cầu điện cho toàn xã hội thì ai cũng thấy rõ, mà gánh nặng nhất là đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, việc áp dụng giá bán điện theo cơ chế kinh doanh đối với hộ dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được Nhà nước xác lập minh bạch, rõ ràng. Được biết, EVN đã có kiến nghị với Nhà nước, cần phải rạch ròi giữa hoạt động sản xuất kinh doanh với hoạt động công ích, nhưng đề xuất này chưa được chấp nhận và vì vậy, hàng năm, ngành Điện vẫn phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho các công ty điện lực khu vực miền núi hoạt động, bởi vốn đầu tư phát triển lưới điện khu vực này rất lớn, nhưng hiệu quả đem lại không cao, trong khi lãi suất vay ngân hàng để xây dựng đường dây và trạm biến áp thì tăng từng ngày. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo từng bước phát triển thị trường điện cạnh tranh một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện cải cách mạnh mẽ thị trường điện, với các trọng tâm là: Cải cách cơ chế xác định giá cả trên thị trường điện, mở cửa hơn nữa thị trường điện để giới đầu tư tư nhân và quốc tế tham gia cả vào hoạt động sản xuất và bán điện, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất và cung ứng điện thông qua việc tạo cơ chế và môi trường cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực năng lượng nói chung và điện nói riêng. Từ quan điểm đó, Chính phủ tạo điều kiện bảo lãnh cho EVN vay vốn của các tổ chức, ngân hàng thương mại trong và ngoài nước để đầu tư, phát triển ngành Điện chứ ngân sách tuyệt nhiên không “ưu tiên” cho các hoạt động của EVN. Mới đây, ngày 21/6/2017, trong buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu EVN lưu ý tới khoản vay “kếch xù” lên tới 9,7 tỷ USD mà Chính phủ bảo lãnh. Nhắc lại như thế để minh chứng rằng, ngành Điện giờ kinh doanh một cách “sòng phẳng”, không có chuyện ỷ lại vào Nhà nước.
Tăng giá điện – Không thể chần chừ?
Phối hợp lắp đặt thiết bị trạm biến áp ở Điện lực Nam Sách
Ngành Điện không được bao cấp, nhưng Nhà nước lại bao cấp cho đại bộ phận người dân nông thôn và cho toàn xã hội, bởi giá điện ở Việt Nam được coi là “bèo” nhất trong khu vực các nước lận cận. Giá bán lẻ điện bình quân của nước ta hiện nay là 1.622 đồng/kWh (tương đương với 7,31 cent/kWh), trong khi giá điện ở Trung Quốc (10,04 cent/kWh), Thái Lan (11,81 cent/kWh Xingapo là 13,5 cent/kWh, Philippines là 20 cent/kWh. Một hộ gia đình ở nước ta chỉ cần khoảng 2.000 đồng sử dụng điện là có thể nấu được một bữa ăn trọn vẹn, trong khi với vài ba ngàn đồng ấy, liệu ra chợ có thể mua được gì trong thời bão giá hiện nay? Chúng ta đã quá quen với chính sách điều tiết của Nhà nước, được trợ giá từ “bầu sữa” Chính phủ mà quên rằng, hiện đã có nhiều lĩnh vực kinh doanh như xăng dầu, viễn thông…, đang hoạt động theo cơ chế thị trường một cách hiệu quả và được người dân chấp nhận.
Giá điện thấp đang kéo theo nhiều hệ lụy: Không đủ vốn để phát triển nguồn và lưới điện; không thu hút được các nhà đầu tư vào dự án điện vì kinh doanh bị lỗ; giá điện rẻ, vô tình chúng ta đã trợ giá cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đem công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng đầu tư làm ăn tại Việt Nam; người dùng điện thiếu ý thức tiết kiệm trong thời điểm đang thiếu nguồn điện; hiệu quả sử dụng một kWh điện trên một đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á; giá điện thấp, trong khi phải mua điện giá cao từ các nhà đầu tư, cũng như mua từ nước ngoài, dẫn tới EVN không đủ sức để kéo dài chuyện bù lỗ... Và nếu chúng ta không điều chỉnh giá điện theo lộ trình thì có thể tình trạng thiếu điện trong nhiều năm tới sẽ còn trầm trọng hơn.
Việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017, thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện, quy định nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở: Hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành. Khi các thông số đầu vào theo quy định kể trên biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm. Còn khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Tăng giá điện có lẽ là việc cần phải làm ngay, không thể chần chừ, để đầu tư phát triển hệ thống lưới điện, đảm bảo cân đối nguồn vốn, giải quyết nợ vay và khắc phục tình trạng bất cập về giá điện, nên vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời gian tới vẫn phải được tiếp tục duy trì. Đồng thời, cũng đặt ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam một nhiệm vụ vô cùng to lớn và hết sức khó khăn, nặng nề. EVN sẽ phải tập trung các giải pháp, đầu tư phát triển các dự án đồng bộ nguồn và lưới điện; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo tiến độ thi công các công trình thủy điện, nhiệt điện; thực hiện các biện pháp hạ tỷ lệ tổn thất điện năng; rà soát củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy điều hành.., song song với tiếp tục công tác tái cơ cấu ngành Điện.
Hy vọng, với sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Bộ Công Thương và sự chia sẻ của nhân dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ nỗ lực cố gắng hơn nữa để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đề ra, đáp ứng tốt nhất nhu cầu điện, đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Nguyễn Văn