Thứ Sáu, 22/11/2024 01:31:23 GMT+7
Lượt xem: 3675

Tin đăng lúc 03-12-2015

Điều gì xảy ra khi Nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ quốc tế?

Trong vòng 5 năm tới, Nhân dân tệ sẽ vươn lên mạnh mẽ, và là một thách thức lớn đối với sự thống trị của đồng USD.
Điều gì xảy ra khi Nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ quốc tế?
Với sự tham gia của NDT, giỏ dự trữ quốc tế hiện nay gồm có USD, euro, bảng Anh và yên Nhật.

 

Kênh thông tin tài chính Mỹ (CNBC) nhận định, việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa quyết định đưa Nhân dân tệ (NDT) vào cơ cấu Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) đánh dấu thắng lợi lớn của Trung Quốc trong việc thực hiện thành công tham vọng quốc tế hóa đồng nội tệ, đồng thời là một thách thức lớn đối với những loại tiền tệ đang suy yếu trong giỏ tiền dự trữ toàn cầu.

 

CNBC dự báo, từ cuối năm 2016 Nhân dân tệ sẽ chiếm khoảng 11% trong quỹ dự trữ ngoại tệ thế giới của IMF, với tỷ lệ lớn hơn cả bảng Anh và yên Nhật.

 

Giới quan sát cho rằng sự gia tăng uy tín của NDT sẽ giúp Bắc Kinh tiến gần hơn một bước trong quá trình thách thức sự thống trị của đồng bạc xanh - USD.

 

NDT đi lên, đồng tiền nào chịu thiệt?

 

Sự đi lên của NDT cũng đồng nghĩa với việc các đồng tiền chủ chốt khác trong giỏ tiền dự trữ quốc tế sẽ giảm thị phần, đặc biệt là đồng euro. Dự báo, đồng tiền chung châu Âu này sẽ mất 6,5% điểm số, và đồng bảng Anh sẽ giảm 3,2%.

 

Thời kỳ huy hoàng của bảng Anh là vào những năm 1870 cho tới những năm 1920 trước khi đồng USD soán ngôi vị hàng đầu. Trong giỏ dự trữ SDR, bảng Anh chiếm giữ mức ổn định là 11% trong nhiều thập kỷ qua, thậm chí đã từng nhích lên đôi chút: 11,3% vào năm 2010. Tuy nhiên theo số liệu của IMF, hiện nay tỷ lệ đồng tiền này trong SDR đã sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 4 – 5%.

 

 

Thị phần của các đồng tiền trong giỏ SDR, trong đó USD vẫn chiếm ngôi đầu.

 

Đồng euro gia nhập đội ngũ SDR từ năm 1999, thay thế franc Pháp và mark Đức. Đồng tiền chung châu Âu đã từng nắm giữ tỷ lệ 37,4% trong giỏ tiền tệ quốc tế vào năm 2010, sau đó giảm dần trong những năm gần đây. Sang đầu năm 2015, tỷ lệ động euro trong SDR chỉ còn khoảng 20%.

 

Theo dự báo của Morgan Stanley, khối lượng giao dịch quốc tế bằng đồng NDT sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Có khoảng 2.000 tỷ USD sẽ đổ vào NDT trong 10 năm tới khi vai trò của đồng tiền này ngày càng lớn trên thị trường thương mại thế giới.

 

Đến thời điểm hiện tại, đỉnh cao trong giỏ tiền dự trữ quốc tế vẫn thuộc về đồng USD – chiếm khoảng 60% tổng giao dịch thương mại toàn cầu, và chiếm 42% trong giỏ SDR.

 

 

Sự tăng trưởng của các đồng tền chủ chốt, bao gồm USD, bảng Anh, yên Nhật, franc Pháp và mark Đức, kể từ năm 1986.

 

Tương lai của NDT trong giỏ SDR

 

Trong thời gian từ 2010 đến 2014, có khoảng 40 ngân hàng trung ương đã thêm danh mục dự trữ ngoại hối bằng đồng NDT.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong vòng 5 năm tới, NDT sẽ vươn lên mạnh mẽ, và là một thách thức lớn đối với sự thống trị của đồng USD.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy NDT cũng khó có thể hạ bệ được USD bởi đồng tiền “đỉnh cao” này vẫn chiếm gần 2/3 dự trữ toàn cầu bất chấp Mỹ xảy ra khủng hoảng tài chính. Tương tự, dù eurozone gặp rắc rối suốt từ năm 2010, đồng tiền chung châu Âu vẫn đóng góp 20% dự trữ thế giới.

 

 

"Bình minh" của đồng NDT.


Forbes lại có cái nhìn lạc quan hơn về NDT, cho rằng sẽ có ngày thị phần của đồng tiền này trong dự trữ toàn cầu có thể cạnh tranh với USD. Khi USD vượt bảng Anh, một trật tự kinh tế thế giới mới đã được thiết lập. Và nếu điều tương tự xảy ra giữa NDT và USD, một kỷ nguyên mới cũng sẽ được mở ra./.NDT vẫn còn nhiều yếu thế khi cạnh tranh với USD cho dù khả năng nền kinh tế Trung Quốc có thể vươn lên vị trí số 1 toàn cầu. Thực tế đã chứng minh, Nhật Bản cũng từng là nền kinh tế lớn nhì thế giới, nhưng đồng yen chưa bao giờ hạ bệ được đồng USD.

 

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang