Ban quản trị của IMF, đại diện cho 188 quốc gia thành viên khẳng định, đồng nhân dân tệ đã đáp ứng tiêu chuẩn giao dịch tự do và sẽ cùng với đồng đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật có mặt trong rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2016.
Khi đó, đồng nhân dân tệ sẽ chiếm tỷ trọng 10,92% trong rổ tiền tệ. Các đồng tiền chủ chốt còn lại sẽ có tỷ trọng lần lượt là: USD (41,73%), euro (30,93%), yên (8,33%) và bảng Anh (8,09%). Hiện nay, đồng USD đang chiếm tỷ trọng 41,9%, đồng euro 37,4%, bảng Anh 11,3% và yên 9,4%. Đây là tỷ lệ những đồng tiền mà các nước sẽ nhận được trong một khoản vay do IMF cấp vốn.
Quyết định này đánh dấu lần đầu tiên rổ tiền tệ SDR có sự thay đổi kể từ năm 1999, khi đồng euro ra đời thay thế cho đồng mark của Đức và franc của Pháp. Đây cũng là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển kinh tế Trung Quốc trong suốt một thập kỷ qua.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở IMF ở Washington, Mỹ, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde nhận định: “Việc kết nạp đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR là chỉ báo rõ ràng cho thấy những cải cách mà Trung Quốc đã thực hiện và sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Nó cho thấy sự hiện diện rõ ràng hơn của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu”.
Năm 2010, IMF từng từ chối đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự tữ toàn cầu với lý do, đồng tiền này chưa đạt các tiêu chuẩn cần thiết.
Theo ông Timothy Adams, Chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, đây là một thắng lợi lớn đối với Bắc Kinh trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nỗ lực quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của mình trên toàn cầu.
Trên trang web của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có viết: “Việc công nhận nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ thứ 5 của thế giới là thắng lợi đối với cả Trung Quốc lẫn thế giới, và là sự công nhận đối với những thành tựu phát triển kinh tế và cải cách của Trung Quốc”.
Quyết định của IMF là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Trung Quốc vốn ảm đạm từ đầu năm đến nay do tăng trưởng chậm chạp, thị trường chứng khoán lao dốc và giới chức trách đẩy mạnh hoạt động truy quét tội phạm nhằm làm trong sạch hệ thống tài chính nước này.
Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế tại ngân hàng HSBC và ING, việc đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ sẽ không có nhiều tác động tới nhu cầu đối với đồng tiền này trong ngắn hạn, do nhân dân tệ vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong rổ tiền tệ.
Trong dài hạn, quyết định này sẽ thúc đẩy thêm những nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc mở cửa thị trường tài chính. Cho tới nay, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt cải cách để nhận được sự ủng hộ của IMF, bao gồm mở cửa thị trường trái phiếu và tiền tệ cho các ngân hàng trung ương nước ngoài và báo cáo thông tin về nguồn dự trữ tiền tệ quốc gia cho IMF biết.
Thanh Hà/ Báo Hànộimới