Thứ Năm, 21/11/2024 23:52:56 GMT+7
Lượt xem: 3624

Tin đăng lúc 12-07-2015

Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường

Nhằm mang đến cho độc giả cái nhìn rõ ràng, dễ hiểu nhất về phương thức tính giá điện mới mà Bộ Công Thương áp dụng từ 16/3/2015, cũng như chủ trương mà ngành điện đang hướng tới theo yêu cầu của Chính phủ, ngày 10/7/2015, Chương trình Tiêu điểm Công Thương với chủ đề: "Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường" được tổ chức với sự tham dự của hai vị khách mời: Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực; Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường
Toàn cảnh chương trình "Tiêu điểm Công Thương"

Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, bắt đầu từ ngày 16/3, Bộ Công Thương áp dụng Biểu giá bán điện mới theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT. Xin ông cho biết cơ sở của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện ngày 16/3/2015.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực:

 

Như các bạn đã biết, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2256/QĐ-BCT điều chỉnh giá bán điện áp dụng từ ngày 16/3/2015. Biểu giá bán lẻ điện hiện nay đã được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Biểu giá bán lẻ này cũng nằm trong khung giá của giá bán lẻ điện trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2165/QĐ-TTg. Về các thông số đầu vào sử dụng để tính giá điện thì đã được tính toán trên cơ sở các báo cáo kiểm toán độc lập về giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2013 và được Tổ công tác liên Bộ gồm có Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam kiểm tra. Chúng tôi cũng tính toán dựa trên ước kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và kế hoạch sản xuất, kinh doanh điện năm 2015. Có một điểm cần phải nhấn mạnh là các chi phí được đưa vào tính toán chỉ thuần túy là các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Có nghĩa là các chi phí, lợi nhuận kinh doanh khác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được đưa vào tính toán giá điện.

 

Việc điều chỉnh giá điện lần này cũng đã được Tổ công tác liên Bộ gồm có Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra, thẩm định và có xem xét, đánh giá để việc ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP, CPI; ảnh hưởng đến sản xuất của một số ngành công nghiệp chính của nước ta như sản xuất sắt, thép, xi măng, giấy…; ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở mức thấp nhất. Trên cơ sở đánh giá này liên Bộ đã thống nhất phương án và báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép. Sau đó Bộ Công Thương đã ra quyết định về việc điều chỉnh giá điện lần này.

 

Việc tính toán điều chỉnh giá điện lần này cũng đã tiếp tục thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách. Theo đó, quy định về hỗ trợ điện cho các hộ nghèo, các hộ chính sách không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh giá điện.

 

Bên cạnh đó việc điều chỉnh giá điện cũng thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về thị trường hóa các mặt hàng năng lượng trong đó có điện.

 

Sau khi ban hành quyết định điều chỉnh giá thì Bộ Công Thương cũng đã có chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức họp báo, công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các khách hàng sử dụng điện. Về phía Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để thông tin rộng rãi đến các cơ quan quản lý và người dân về việc điều chỉnh giá bán điện lần này.

 

Vừa rồi, ông đề cập đến vấn đề thực hiện được chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách trong áp dụng biểu giá bán lẻ điện. Xin ông nêu rõ việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người nghèo trong giá điện hiện nay như thế nào?

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực:

 

Như tôi đã trình bày ở trên, trong giá điện điều chỉnh lần này thì Bộ Công Thương đã tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cho người nghèo và hộ chính sách. Cụ thể đối với các hộ nghèo, hộ chính sách được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền thông qua địa phương cho 30 kWh đầu tiên và chuyển trực tiếp đến các hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo xã hội theo tiêu chí do Chính phủ quy định. Trong lần điều chỉnh giá lần này có một đặc điểm là đối với các khách hàng sử dụng điện tại các huyện đảo, ví dụ như Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc thì cũng được hưởng giá điện giống như là giá điện trong đất liền.

 

Thưa ông Đinh Quang Tri, biểu giá bán điện áp dụng từ ngày 16/3/2015 tác động như thế nào đến doanh nghiệp và hộ tiêu dùng sinh hoạt? Bình quân mỗi hộ gia đình hay doanh nghiệp phải trả thêm bao nhiêu chi phí cho điện, thưa ông?

 

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

 

Vừa rồi Bộ Công Thương đã có quyết định điều chỉnh giá điện từ ngày 16/3/2015. Bình quân đợt điều chỉnh này tăng 7,5% so với biểu giá cũ nhưng theo cơ cấu của từng nhóm khách hàng thì mức độ tăng có khác nhau.

 

Đối với điện sinh hoạt thì bậc thang thấp nhất tăng 6,9%, tức là dưới mức trung bình. Đối với những bậc sau thì tăng cao hơn.

 

Mức chi trả của từng hộ dân phụ thuộc vào số lượng điện mà hộ đó tiêu thụ. Nếu tiêu thụ càng nhiều thì số tiền điện phải trả lại càng cao hơn. Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn. Vậy nên khi dùng nhiều số kWh điện thì khách hàng sẽ phải trả nhiều hơn. Ví dụ, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/1 tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/ tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng. Số tiền tăng lũy tiến, cho nên chúng tôi mong muốn khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, để làm sao cho sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả.

 

Cũng liên quan đến vấn đề giá điện thì phóng viên Thanh Hoàn của Báo An ninh Thủ đô có gửi câu hỏi về cho Ban biên tập chương trình như sau: Ở các nước, mặt hàng tiêu dùng càng nhiều thì giá càng rẻ. Với mặt hàng điện của Việt Nam thì ngược lại. Vậy sắp tới cách tính giá điện có xem xét thay đổi tình trạng này? Xin ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích thêm cách tính giá điện sinh hoạt theo bậc thang lũy tiến?

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam:

 

Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều câu hỏi tương tự và chúng tôi xin giải đáp thắc mắc như sau: Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời ngay lập tức và về nguyên tắc của Việt Nam, cũng như tất cả các nước trên thế giới khi điều độ sẽ điều độ theo giá trị kinh tế. Có nghĩa là chúng ta sẽ huy động các nhà máy điện rẻ trước, nhà máy điện giá đắt sẽ huy động sau. Ví dụ như trong hệ thống điện Việt Nam thì ở mức độ nhất định chúng ta sẽ huy động những nguồn truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí. Nhưng khi nhu cầu điện cao chúng ta sẽ huy động các nhà máy điện đắt tiền hơn, thậm chí trong một số thời điểm chúng ta phải huy động đến cả nhà máy điện chạy dầu nếu như trong hệ thống thiếu nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào.

 

Theo thông lệ về biểu giá thì các nước đều áp dụng biểu giá tính điện lũy tiến cho khách hàng thuộc hộ sử dụng sinh hoạt. Ví dụ ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, các nước ở trong khối ASEAN. Hiện nay chúng ta có 10 nước trong ASEAN thì cả 10 nước đều áp dụng biểu giá tính lũy tiến cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Và các nước láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Hông Công thì cũng áp dụng biểu giá lũy tiến này.

 

Như vậy chúng ta đánh giá chung là việc áp dụng biểu giá lũy kế cho khách hàng sử dụng sinh hoạt là phổ biến trên thế giới, với mục đích là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực từ ngày 01/06/2014. Trong cơ cấu biểu giá bán lẻ theo Quyết định này thì chủ trương Nhà nước là giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành nói chung và như phần trên tôi đã nói là tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách. Đồng thời, tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp điện với thực hiện chính sách an sinh - xã hội của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Biểu giá này cũng được thiết kế đối với hộ sinh hoạt theo biểu giá lũy tiến tăng dần để làm sao vừa khuyến khích người dân tiết kiệm điện, đồng thời cơ cấu biểu giá hết sức phù hợp theo thực tế sử dụng điện sinh hoạt. Ví dụ, theo thống kê, ở Việt Nam, năm 2014, số hộ sử dụng điện dưới 100kWh dưới 45% thì chúng ta cũng đã thiết kế biểu giá điện phù hợp. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện như hiện nay thì chúng tôi đánh giá là đơn giản, thuận tiện cho khách hàng theo dõi và phù hợp với nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt trên toàn quốc.

 

Vừa qua chúng tôi cũng nhận được một số ý kiến góp ý của khách hàng, của một số nhà khoa học và cơ quan báo chí. Và trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ và chúng tôi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế khách hàng sử dụng sinh hoạt ở Việt Nam.

 

Thưa ông Đinh Quang Tri, cũng có rất nhiều lá thư gửi đến chương trình Tiêu điểm Công Thương phản ánh trong Tháng 5 và tháng 6 vừa qua thì hóa đơn tiền điện của các hộ sinh hoạt tăng cao hơn so với các tháng trước đó. Vậy ông có thể cho biết nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có biện pháp gì để xử lý tình trạng trên?

 

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

 

Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua thì như quý vị đã biết, cả nước đã trải qua thời điểm nắng nóng cao điểm, có ngày trên 40 độ C. Trong những ngày đó, nhu cầu của cả hệ thống điện tăng trên 520 triệu kWh/ngày. Thông thường thì lượng tiêu thụ điện thường dưới 500 triệu kWh. Như vậy là vào những ngày nóng mức độ tiêu thụ điện đã tăng vọt. Nguyên nhân là do hiện nay người dân đang sử dụng rất nhiều các thiết bị để làm mát, nhiều nhà chạy điều hòa, tăng cường quạt và các cửa hàng tăng cường sản xuất nước đá, v.v... Nói chung mức độ tiêu thụ điện kể cả sản xuất lẫn tiêu dùng tăng vọt. Đây là một nguyên nhân khách quan. Và thực tế số liệu thống kê của chúng tôi, sản lượng tháng 6 tăng gần 40% so với sản lượng của tháng 3. Thực tế tiêu thụ điện chung của cả hệ thống điện Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 tăng hơn khoảng 30-40% so với tháng 3/2015 vì tháng 3 thời tiết mát.

 

Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm, vì khi chúng tôi huy động hết công suất phát điện vào những ngày nắng nóng thì phải huy động các nhà máy có giá thành rất cao, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện. Như chúng ta thấy, trong các ngày nóng vừa qua, hầu như không bị cắt điện ở bất kỳ khu vực nào, trừ những trường hợp các khu vực bị sự cố là do bị quá tải lưới hoặc máy biến áp gặp sự cố. Tại các khu vực nhỏ đó bị gián đoạn trong cung cấp điện nhưng chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành sửa chữa, thậm chí thay máy biến áp ngay để đáp ứng nhu cầu của người dân.

 

Vậy thì thưa Ông Đinh Quang Tri, ông có khuyến cáo gì đối với việc sử dụng điện của khách hàng, nhất là khách hàng sử dụng điện với mục đích sinh hoạt?

 

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

 

Đối với các loại thiết bị điện khác nhau người dân sử dụng trong gia đình cho mục đích sinh hoạt trong mùa nắng nóng, có thể điểm qua một số thiết bị sau: Thứ nhất là điều hòa nhiệt độ. Đối với điều hòa nhiệt độ, nếu chúng ta đặt nhiệt độ ở chế độ khoảng 26-27 độ C trở lên thì sẽ tiết kiệm điện hơn, nếu chúng ta để nhiệt độ ở 18-20 độ C thì lượng tiêu thụ điện sẽ tăng cao. Và nếu giảm đi 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ có thể tăng từ 7-10%. Và tôi khuyến cáo là nên đặt ở mức khoảng 28 độ C trở lên. Một kinh nghiệm mà cách đây khoảng 4-5 năm khi tôi sang công tác tại Nhật Bản thì thời kì đó vừa xảy ra sự cố của Nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Cả hệ thống điện của Nhật Bản thiếu điện cho nên Chính phủ Nhật đã giao chỉ tiêu cho các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh, giảm 30% lượng điện tiêu thụ so với năm trước. Tôi đến các văn phòng của các Tổng công ty của Nhật họ đều để nhiệt độ là 30 độ C khi chạy điều hòa nhiệt độ kèm theo đặt 1 quạt nhỏ để kết hợp thì lượng điện tiêu thụ như vậy giảm so với chỉ tiêu Chính phủ là 30%. Họ rất chăm lo đến việc tiết kiệm điện và thậm chí là trong phòng làm việc họ không thắt caravat mà chỉ mặc áo sơ mi để hạn chế việc nóng bức dẫn đến sử dụng nhiều điện.

 

Loại thứ 2 tiêu thụ nhiều điện đó là bình nóng lạnh. Nếu như chúng ta dùng bình nóng lạnh mà bật ở chế độ lúc nào cũng sẵn sàng thì sẽ rất tốn điện. Chúng tôi khuyến cáo người dân là trước khi tắm hoặc dùng, chúng ta bật trước khoảng 15 phút, sau đó khi dùng xong thì tắt đi. Vì khi chúng ta không dùng mà vẫn để chế độ bật điện thì bình nóng lạnh sẽ tự động bật lại khi nhiệt độ nước trong bình hạ xuống. Như thế bình nước bị đun đi đun lại rất nhiều lần và sẽ tốn rất nhiều điện.

 

Ngoài ra, đối với bàn là chẳng hạn, chúng ta nên dùng đặt ở chế độ nóng vừa phải, vì nóng quá thì sẽ tốn điện. Thêm nữa khi gần kết thúc là thì nên rút phích cắm ra. Độ nóng của bàn là sau khi rút phích cắm vẫn đủ để có thể là thêm từ 1-2 bộ quần áo nữa.

 

Những chi tiết rất nhỏ như thế nhưng lại góp phần làm cho việc tiêu thụ điện của chúng ta giảm xuống.

 

Một khuyến cáo nữa khi mà chị em nội trợ khi mà dùng bếp, thì thời điểm này giá gas giảm, chúng tôi khuyến cáo nên dùng gas để nấu nướng, để giảm bớt tiêu thụ điện đi, bớt được tăng ngân sách về tiền điện cho gia đình.

 

Và còn nhiều giảm pháp nữa. Đối với ngành điện nói chung là chúng tôi khuyến cáo khi nào cần điện thì cắm phích chứ không nên để chế độ tự động hoặc chế độ lúc nào điện cũng sẵn sàng thì sẽ tốn rất nhiều.

 

Có ý kiến cho rằng hoá đơn điện cần phải được giám sát kiểm định, nhiều hộ dân gửi đơn khiếu nại đến cơ quan điện lực nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, bởi vì Việt nam chưa có cơ quan độc lập kiểm định hóa đơn tính tiền điện. Xin Cục Điều tiết điện lực cho biết ý kiến về vấn đề này?

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực:

 

Theo quy định tại Luật Điện lực, khi có nghi ngờ về cách tính hóa đơn tiền điện thì các khách hàng sử dụng điện có thể kiến nghị đến các đơn vị bán lẻ điện trực tiếp bán điện cho khách hàng và hiện nay theo quy định, cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chính là các Sở Công Thương.

 

Vậy liên quan đến câu hỏi này thì khi khách hàng có thắc mắc về công tơ, về hóa đơn tiền điện, cách tính hóa đơn tiền điện, cách tính chỉ số công tơ thì hoàn toàn có quyền kiến nghị trực tiếp đến đơn vị bán lẻ điện. Ví dụ như trong trường hợp khách hàng không thỏa mãn với giải thích của các Công ty điện lực này thì khách hàng có quyền gửi đơn kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương là các Sở Công Thương. Và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của khách hàng sử dụng điện và người dân, Sở Công Thương phải có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra và trả lời cho khách hàng sử dụng điện. Như vậy, với quy định của Luật Điện lực hiện nay chúng ta đã có cơ quan độc lập để kiểm định hóa đơn tiền điện cũng như các thiết bị đo đếm điện, công tơ điện cho khách hàng.

 

Theo chúng tôi được biết Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần phải nâng cao năng suất lao động và giảm tổn thất điện năng trong thời gian tới. Thưa ông Đinh Quang Tri, xin ông cho biết ngành điện đã triển khai việc hiện đại hóa, áp dụng khoa học công nghệ trong hệ thống điện để tăng năng suất lao động đồng thời để giảm tổn thất điện năng như thế nào?

 

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

 

Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ năm 2015 phải đạt chỉ tiêu tổn thất điện năng chỉ còn 8%. Trong thời gian tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã lập kế hoạch cuối năm nay sẽ báo cáo Thủ tướng về kế hoạch giảm tổn thất điện năng đến năm 2020 và chúng tôi dự kiến đến năm 2020 thì tỉ lệ tổn thất điện sẽ xuống còn khoảng 6,5%. Và để đạt được chỉ tiêu đó thì chúng tôi phải đầu tư một hệ thống lưới điện tăng cường hơn nữa để đảm bảo cung cấp điện đến tận các vùng nông thôn với chất lượng và tổn thất điện năng ở mức tốt nhất.

 

Muốn giảm tổn thất thì như chúng ta đã biết, ngoài tổn thất thương mại thì với tổn thất kỹ thuật bắt buộc phải đầu tư các trạm mới để giảm bớt quá tải ở vùng khu công nghiệp, ở các thành phố, đồng thời phải tăng cường lưới điện nông thôn để làm sao chất lượng được nâng lên. Nếu điện áp thấp quá thì tổn thất của lưới điện nông thôn cũng sẽ tăng cao lên.

 

Tất cả chương trình đó chúng tôi đang chỉ đạo 5 Tổng công ty Điện lực lập kế hoạch hiện đại hóa, vừa kết hợp hiện đại hóa đồng thời đầu tư nâng cấp lưới điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho nhân dân. Đặc biệt, chúng tôi chỉ đạo các thành phố lớn, các khu công nghiệp phải đáp ứng tiêu chí N-1, tức là tiêu chí bảo đảm đối với những khách hàng lớn chúng ta có ít nhất 2 nguồn điện. Trong trường hợp sự cố một nguồn điện này thì còn một nguồn điện nơi khác cung cấp đến để bảo đảm cấp điện về nguyên tắc 24/24 cho khách hàng.

 

Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện việc công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh điện như thế nào trong thời gian qua?

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực:

 

Công khai, minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện là một trong những chủ trương lớn của Bộ Công Thương. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai mạnh mẽ công tác công khai, minh bạch về giá điện. Như tôi đã trình bày ở trên, năm 2014, Bộ Công Thương phối hợp cùng các Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2013, và sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành họp báo công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Và kết quả này, chúng tôi cũng đã chuyển đến các cơ quan thông tấn báo chí và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tại địa chỉ www.moit.gov.vn. Kết quả kiểm tra sản xuất kinh doanh có chỉ rõ ra giá thành sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong từng khâu, khâu phát điện bao nhiêu, khâu truyền tải bao nhiêu, khâu phân phối bán lẻ là bao nhiêu và các khoản lỗ, lãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện cũng được công bố rõ ràng.

 

Hiện nay, tất cả thông tin này được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, do vậy chúng tôi rất mong quý vị khán giả quan tâm và khách hàng quan tâm có thể truy cập vào địa chỉ website của Cổng để tra cứu thông tin này.

 

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu. Ở đây, tôi xin nói về hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Hiện nay, chúng tôi đã triển khai công bố về giá điện, về hoạt động sản xuất kinh doanh điện theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm, đảm bảo các thông tin được cập nhật. Và tất cả thông tin này được đăng tải công khai, minh bạch trên chuyên trang Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu của Bộ Công Thương tại địa chỉ: http://minhbach.moit.gov.vn. Chúng tôi cũng đăng tải các thông số đầu vào, thực tế huy động cơ cấu nguồn như thế nào, các yếu tố liên quan như giá điện trên thị trường điện, v.v… Tất cả các thông tin này đã được công khai, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

 

Trong đợt tăng giá điện trong tháng 3/2015, chúng tôi đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai đến tất cả các trung tâm dịch vụ khách hàng niêm yết công khai biểu giá bán lẻ điện và đối với các cán bộ, nhân viên trực tiếp thu tiền điện thì có hướng dẫn cho khách hàng cách tính toán theo hướng dẫn giá điện theo quy định mới. Trong thời gian tới Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị triển khai tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thông tin công khai, minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở cả Trung ương cũng như địa phương.

 

Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh là một trong những chiến lược dài hạn của ngành điện Việt Nam. Vậy ông có thể cho độc giả biết thêm thông tin về việc xây dựng và phát triển thị trường điện Việt Nam?

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực:

 

Xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh đã được quy định tại Luật Điện lực và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 quy định về lộ trình phát triển điện tại Việt Nam. Theo Quyết định này thì thị trường điện Việt Nam sẽ phát triển theo 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất là từ năm 2012 đến năm 2015, chúng ta sẽ triển khai thị trường phát điện cạnh tranh. Trong thị trường phát điện cạnh tranh thì các đơn vị phát điện sẽ cạnh tranh nhau để bán điện cho đơn vị mua duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Và từ năm 2016 đến năm 2021 chúng ta sẽ thực hiện Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Giai đoạn này cấp độ sẽ cao hơn giai đoạn phát điện cạnh tranh ở chỗ lúc này tham gia thị trường điện ngoài các đơn vị phát điện còn có các khách hàng lớn. Và các đơn vị phát điện ngoài bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì được cạnh tranh trực tiếp và bán điện cho các Tổng công ty Điện lực và các khách hàng sử dụng điện. Dự kiến chúng tôi sẽ triển khai thực hiện trong thời gian từ năm 2016 - 2019 sẽ chính thức thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Và từ năm 2021 chúng ta sẽ triển khai Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo đó, tất cả các khách hàng sử dụng điện kể cả các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đều có quyền tự do lựa chọn người bán.

 

Với lộ trình kế hoạch triển khai như thế này thì Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu trong ASEAN cũng như trong Châu lục, qua thực tế thì hiện nay chúng ta đang là nước thứ 3 sau Singapore và Philippin đã triển khai thành công thị trường điện. Và trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo đúng lộ trình do Chính phủ đã quy định.

 

Liên quan tới thị trường điện cạnh tranh, có ý kiến cho rằng cần tái cơ cấu ngành điện phục vụ phát triển thị trường điện. Quan điểm của Bộ Công Thương về vấn đề này như thế nào? Xin mời ông Nguyễn Anh Tuấn?

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực:

 

Xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh bao giờ cũng gắn liền với tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong thời gian qua, song song với việc xây dựng, thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh thì Bộ Công Thương cũng đã triển khai, xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành điện, phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện, tạo động lực cho các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh điện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh điện. Qua đó sẽ dẫn đến giá điện sẽ phù hợp và theo đúng quy luật của thị trường điện. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung xây dựng Đề án này và theo kế hoạch Chính phủ giao thì đến tháng 12/2015 Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định tái cơ cấu ngành điện.

 

Hiện nay, chúng tôi đang trong quá trình xây dựng nhưng có thể nói, trong Đề án tái cơ cấu này sẽ tập trung chủ yếu vào một số các nhiệm vụ mà trước tiên là chúng ta sẽ tiến hành cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, của Tập đoàn Dầu khí và của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Chúng ta cũng sẽ tiến hành từng bước tách bạch chi phí, khâu phân phối và khâu bán lẻ điện phù hợp với lộ trình phát triển thị trường bán buôn và bán lẻ cạnh tranh từng bước cho phù hợp và chúng ta cũng từng bước sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị và cung cấp dịch vụ cũng như trên thị trường điện trong ngành điện.

 

Về phía doanh nghiệp, ông Đinh Quang Tri có ý kiến gì về thị trường phát điện cạnh tranh?

 

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

 

Khi triển khai thị trường điện chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ để có từng bước áp dụng cho phù hợp. Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện tại nước ta theo 3 cấp độ nhằm mục đích để trong quá trình thực hiện, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm và hiệu chỉnh những gì chưa hợp lý. Đó là những việc làm rất cần thiết để xây dựng, phát triển thị trường điện, đi từng bước một cách thận trọng và có đánh giá ở từng bước. 

 

Theo như dự báo thì tình hình nắng nóng sẽ còn kéo dài, Bộ Công Thương đã có công tác chỉ đạo như thế nào để đảm bảo ổn định cung cấp điện. Xin mời ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực

 

Bộ Công Thương ngay từ đầu năm đã có nhiều văn bản chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty lớn triển khai nhiều công tác đồng bộ. Chúng tôi cũng đã có văn bản đôn đốc, kiểm tra các đơn vị đảm bảo kiểm tra các hệ thống điện, nguồn, lưới điện..., đảm bảo đủ cung cấp điện trong mọi trường hợp. Như ông Đinh Quang Tri vừa chia sẻ với độc giả thì mặc dù thời gian vừa qua thời tiết rất nắng nóng nhưng về cơ bản chúng ta đã đảm bảo nguồn cung ứng điện, không để xảy ra mất điện trên diện rộng, tất nhiên cũng có một số khu vực mất điện là do quá tải nhưng mất điện trên diện rộng là không có. Chúng tôi cũng đánh giá đây là một trong những nỗ lực, cố gắng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty, các đơn vị cung ứng điện trong đảm bảo cấp điện cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trong thời gian nắng nóng vừa qua. Chúng tôi cũng đang tiếp tục đôn đốc để Tập đoàn và các đơn vị tiếp tục triển khai thường xuyên công tác đảm bảo lưới điện trong thời gian tới.

 

Một công tác khác chúng tôi cũng đôn đốc là kinh doanh dịch vụ khách hàng, cụ thể là công tác ghi chỉ số công tơ, ghi hóa đơn tiền điện. Hiện nay các đơn vị, Tập đoàn đang triển khai rất tích cực và có nhiều biện pháp về kĩ thuật cũng như kiểm tra.

 

Và cũng như các bạn đã biết trong thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các Tổng công ty Điện lực đã nhận rất nhiều thắc mắc của khách hàng, cũng như ý kiến từ các cơ quan thông tin đại chúng. Tuy nhiên qua kiểm tra thì đến hiện nay việc ghi chỉ số, tính hóa đơn tiền điện, các Tổng công ty Điện lực đều thực hiện tốt và giải đáp các thắc mắc của khách hàng về cơ bản đã được giải quyết đầy đủ, thỏa đáng và năm 2015, tính đến thời điểm này, chúng tôi chưa phát hiện ra trường hợp nào ghi chỉ số công tơ chênh lệch lớn trên diện rộng như trường hợp xảy ra tại Huyện Sóc Sơn, Hà Nội năm 2014.

 

Trong thời gian vừa qua, cũng để rút kinh nghiệm, chúng tôi cũng đã có các chỉ đạo thêm, chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực tăng cường hơn nữa công tác công khai, minh bạch trong việc ghi chỉ số công tơ và tính toán hóa đơn tiền điện và thông tin rộng rãi hơn nữa những phương pháp tính toán tiền điện theo quy định mới đến khách hàng sử dụng điện thông qua các biện pháp như nhắn tin hoặc thông tin trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện về chỉ số điện sinh hoạt, cũng như cách tính thực tế lượng điện đã sử dụng trong tháng vừa qua, để qua đó người dân biết, các khách hàng sử dụng điện biết và có các biện pháp điều chỉnh cách sử dụng điện trong gia đình phù hợp với cả ngân sách gia đình. Đây cũng là các biện pháp triển khai để đảm bảo cung ứng điện trong mùa nắng nóng vừa qua.

 

Nguồn: Cổng thông tin  điện tử Bộ Công Thương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang