Thứ Tư, 04/12/2024 00:58:29 GMT+7
Lượt xem: 2235

Tin đăng lúc 10-10-2024

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội và chương trình kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XV), sáng ngày 10/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại Công ty Điện lực Yên Bái (PC Yên Bái). Ông Nguyễn Quốc Luận – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái chủ trì Hội nghị.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Cùng tham gia Hội nghị còn có các vị đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái; lãnh đạo các sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải; lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Yên Bái. Về phía PC Yên Bái có ông Cao Bình Định – Giám đốc Công ty, cùng các Phó giám đốc và trưởng/ phó các phòng liên quan; Giám đốc các Điện lực và Xí nghiệp Lưới điện cao thế Yên Bái.

 

Tại Hội nghị, ông Cao Bình Định – Giám đốc PC Yên Bái đã báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 của Công ty. Trong đó nổi bật là đã đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đảm bảo điện cho các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, đặc biệt là trong các ngày lễ lớn. Cụ thể, kết quả sản xuất kinh doanh đạt được: Sản lượng điện đạt 978,24 triệu kwh, tăng 107,06% so với cùng kỳ và đạt 74,39% so với kế hoạch; Tỷ lệ tổn thất điện năng là 5,06%, giảm 0,25% so với cùng kỳ; Giá bán điện bình quân đạt 1.987,75 đ/kwh, tăng 114,4% so với cùng kỳ và tăng 13,35 đồng/kwh so với kế hoạch và doanh thu tiền điện đạt 1.944,5 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ là 113,6% và đạt 74,89% so với kế hoạch. Trong năm 2023 - 2024, Công ty thực hiện 42 dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) 583,3 tỷ đồng. Các công trình điện được xây dựng đã đóng góp trong việc đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng trong tỉnh.

 

Về tình hình cung ứng điện và quản lý vận hành lưới điện, hiện nay, PC Yên Bái đang quản lý khối lượng 372,568 km đường dây 110kV, 07 TBA 110kV với tổng công suất là 347 MVA; 44 đường dây trung thế với tổng chiều dài 2.723,99 km ; 1.584 trạm biến áp phân phối và 576 TBA chuyên dùng của khách hàng với tổng công suất đặt Sđ = 772,8635 kVA và 3.046,64 km đường dây hạ thế 0.4kV. Tổng số khách hàng mua điện của Công ty tính đến ngày 30/9/2024 là 253.964 khách hàng, trong đó khách hàng sinh hoạt là 226.994 (chiếm 89,38%); khách hàng ngoài sinh hoạt là 26.970 khách hàng (chiếm 10,62%).

 

 

Ông Cao Bình Định - Giám đốc PC Yên Bái phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

 

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác xản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh, PC Yên Bái đã có một số đề nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái như: Có kiến nghị với các ngành, các địa phương trong việc phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các công trình điện trên địa bàn. Cụ thể, lưới điện trên địa bàn tỉnh do Công ty quản lý vận hành lớn, đi qua nhiều địa hình đồi, rừng, núi, vườn, khu dân cư đặc biệt là các vùng lũ lụt chịu ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn điện. Mặc dù Công ty đã tích cực tuyên truyền về các mối nguy hại sau lũ lụt và phát quang cây cối hành lang an toàn lưới điện, tuy nhiên, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn nhiều. Vì vậy, Công ty kiến nghị các cấp chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình điện, phối hợp với đơn vị quản lý lưới điện xử lý, giải phóng các vi phạm đảm bảo an toàn hành lang lưới điện theo quy định hiện hành của Chính phủ.

 

Mặt khác, để công tác thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ triển khai thuận lợi theo đúng kế hoạch, PC Yên Bái đề nghị Đoàn Đại biểu quốc hội quan tâm, tạo điều kiện cho Công ty và các Điện lực trực thuộc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã đánh giá tình hình thiệt hại lưới điện do ảnh hưởng của cơn bão số 3, cũng như việc khắc phục cấp điện trở lại cho khách hàng; Công tác đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh và việc chấp hành Luật Điện lực hiện nay trong PC Yên Bái.

 

Với Luật Điện lực được Quốc hội thông qua năm 2004, sau 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2012, 2018, 2022, 2023) đã làm cơ sở pháp lý cho phát triển ngành, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của đất nước và nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sau gần 20 năm thi hành và qua 04 lần sửa đổi, bổ sung, đến nay Luật Điện lực hiện hành còn tồn tại một số vấn đề chưa đáp ứng với thực tiễn.

 

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 09 chương, 130 điều, được xây dựng xoay quanh 6 chính sách lớn là: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bản điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung nghiên cứu, cho ý kiến vào Dự án Luật Điện lực, đồng thời cơ bản nhất trí với các một số nội dung: Về phạm vi, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch; Thời gian định kỳ đánh giá việc thực hiện kế hoạch thực hiện quy hoạch; Trách nhiệm điều chỉnh khi cần thiết; Bổ sung quy định với các nguồn dự phòng có trong quy hoạch; Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc sửa đổi, cập nhật thông tin các dự án điện lực.

 

 

Ông Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị

 

Cùng với đó, các đại biểu cũng nhất trí với các nội dung về cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; Sự cần thiết đưa quy định về xử lý các dự án chậm tiến độ vào Luật này; Quy định tại các văn bản chỉ đạo, điều hành về xử lý các tình huống cụ thể; Phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Tiêu chí về lựa chọn chủ đầu tư các công trình điện (nguồn điện, lưới điện) thông qua phương thức đấu thầu; Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; Giấy phép hoạt động điện lực; Thị trường điện cạnh tranh; Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện; Giá điện và giá các dịch vụ về điện...

 

Bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung trong dự án Luật, các đại biểu cho rằng, các nội dung trong dự án Luật khi thực thi sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề vướng mắc đang tồn tại và phù hợp với thực tế. Đồng thời, cần bổ sung chi tiết hơn đối với nội dung về quyền hạn khách hàng hoặc xử lý đối với khách hàng không thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện; Cần chỉ rõ cụ thể đối tượng được đấu nối điện trên mạng lưới cao áp; Cần kéo dài thời gian sửa chữa, thay thế thiết bị đo đếm điện của khách hàng khi bị hư hỏng.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Quốc Luận – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao những ý kiến, đóng góp của các đại biểu vào dự án Luật Điện lực sửa đổi. Các ý kiến đóng góp vào dự án Luật này được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục tiếp thu, tổng hợp để trình Quốc hội trong kỳ họp tới./.

 

Mai Ngọc Lương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang