Ông đánh giá thế nào về việc các doanh nghiệp dệt may thế giới đang dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam?
Trung Quốc là nền sản xuất dệt may lớn nhất thế giới, sau một thời gian tăng trưởng với tốc độ cao, hiện đang gặp khó khăn do chi phí sản xuất tăng, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tại thị trường này đã giảm, vì vậy Việt Nam đang là một lựa chọn tốt để thay thế. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)... khi đó hàng dệt may xuất khẩu vào các nước này sẽ được hưởng thuế 0%. Nhiều doanh nghiệp dệt may nước ngoài đã chuyển một phần quy mô sản xuất sang Việt Nam để tận dụng các lợi thế về chi phí lao động thấp, nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, môi trường kinh tế tăng trưởng ổn định và hưởng ưu đãi về thuế do các hiệp định mang lại. 8 tháng đầu năm nay số vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực dệt may là 2,8 tỷ USD (năm 2014 mới chỉ thu hút được khoảng 2 tỷ USD) và dự kiến con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới nếu thông tin về các hiệp định thương mại, nhất là TPP được ký kết. Việc tăng quy mô sẽ cân đối chiến lược phát triển chung của ngành Dệt May Việt Nam và chúng ta có được chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Ngành Dệt May Việt Nam cần làm gì để tranh thủ dòng đầu tư này thưa Ông?
Các doanh nghiệp dệt may trong nước cần phải chủ động trong vấn đề tìm ra các giải pháp về đầu tư, mở rộng để có thể giữ được thị phần nhất định trong việc phân phối các sản phẩm dệt may. Cần xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối, tạo chuỗi sản xuất để có khả năng nhận những đơn hàng lớn, thời trang hóa ngành dệt may, xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm thiết kế thời trang. Ðào tạo, tuyển dụng đội ngũ nhà thiết kế có năng lực, chào bán mẫu thiết kế cho các nhà nhập khẩu, xây dựng thương hiệu hàng hóa và bán sản phẩm thời trang của Việt Nam ra nước ngoài. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng giải pháp chiến lược về quản trị, tiết kiệm chi phí, tạo sản phẩm cạnh tranh tốt về chất lượng, thời gian giao hàng, trách nhiệm xã hội... Bên cạnh đó, cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển các khu công nghiệp tập trung phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Nhà nước phải định hướng cho các doanh nghiệp dệt may trong nước phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tận dụng được nguồn lực từ bên ngoài và bản thân các doanh nghiệp trong nước phải chủ động được trong việc phát triển công nghệ quản trị để đảm bảo các sản phẩm trong nước được đầu tư đúng hướng. Ngoài ra, một vấn đề mang tính cốt lõi đó là các chính sách phải có tính xuyên suốt giúp tạo ra động lực để khuyến khích được các doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng. Với quá trình hoàn thiện chuỗi giá trị toàn Ngành đang diễn ra khá chủ động và tích cực, tôi tin rằng trong thời gian tới ngành dệt may sẽ có triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn và bền vững hơn khi các hạn chế đang dần được hoàn thiện.
Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Dệt May, xin Ông cho biết việc tăng lương tối thiểu ảnh hưởng như thế nào đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam?
Việc tăng lương tối thiểu ở mức dự kiến 12,4% như đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dệt may. Ví dụ, với một doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty May Việt Tiến, có 10.000 lao động, tổng số tiền mà doanh nghiệp này phải trả bảo hiểm trong năm 2015 là 74 tỷ đồng. Nếu tăng lương tối thiểu thêm 12,4% như đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia thì chi phí tiền lương của Việt Tiến năm 2016 sẽ là 173 tỷ đồng, tăng thêm 99 tỷ đồng so với năm 2015. Đến năm 2018, nếu thực hiện theo Luật Bảo hiểm mới (đóng phí bảo hiểm trên lương thực trả) thì số tiền mà Việt Tiến phải đóng là 407 tỷ đồng, tổng cộng người lao động và DN phải trả là 3,335 triệu đồng/tháng (trong đó 1,1 triệu đồng của người lao động, 2,2 triệu đồng của doanh nghiệp). Điều này là bất hợp lý bởi số tiền nói trên người lao động hoàn toàn không được hưởng mà nằm trong quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn và bảo hiểm thất nghiệp. Nếu không có giải pháp dài hơi, việc tăng lương tối thiểu lại nhằm trúng những khó khăn nội tại của các doanh nghiệp trong nước và chắc chắc họ không thể chịu nổi. Cần phải thay đổi cơ cấu thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý sát doanh nghiêp, đi đàm phán các hiệp định thương mại tự do, hiểu sâu và toàn diện thách thức hội nhập nhưng tại sao không có tên trong Hội đồng tiền lương?!
Xin cảm ơn Ông về buổi trao đổi!
XQ thực hiện/Vinatex