Thứ Năm, 21/11/2024 18:42:30 GMT+7
Lượt xem: 1953

Tin đăng lúc 25-02-2022

Doanh nghiệp chuyển phát nhanh chủ động đổi mới, đón đầu cơ hội sau dịch

Sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới thương mại điện tử đang mang đến cơ hội lớn nhưng cũng tiềm ẩn hàng loạt thách thức cho ngành chuyển phát nhanh tại Việt Nam. Để đón đầu xu hướng, doanh nghiệp ngành này ngoài gia tăng độ phủ ở thị trường quốc tế cũng đang không ngừng đa dạng hóa các dịch vụ tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của khách hàng.
Doanh nghiệp chuyển phát nhanh chủ động đổi mới, đón đầu cơ hội sau dịch
Doanh nghiệp chuyển phát đứng trước nhiều cơ hội từ sự phát triển của TMĐT

Theo giới chuyên gia, ngành logistics nói chung và ngành chuyển phát nhanh nói riêng có rất nhiều cơ hội lớn để tạo nên sự bứt phá tại thời điểm sau đại dịch. Điều này xuất phát từ việc người dân thời gian qua thay vì đến trực tiếp các cửa hàng và các điểm kinh doanh như trước, thì bây giờ người tiêu dùng dần quen hơn với việc mua sắm, đặt hàng qua các trang thương mại điện tử (TMĐT), các trang website và xu hướng này dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này làm phát sinh thêm nhu cầu chuyển phát nhanh, đặc biệt là chuyển phát nhanh qua các kênh TMĐT.

 

Thêm vào đó, xu hướng vận chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng (Direct to Customers - D2C) chính thức lên ngôi. Đây là mô hình bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng cuối thông qua website hoặc cửa hàng của nhà sản xuất, mà không cần qua trung gian. Xu hướng này giúp doanh nghiệp có thể quản lý được data (dữ liệu) và duy trì mối quan hệ với khách hàng tốt hơn, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và giảm chi phí trung gian cho các nhà bán lẻ.

 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường lớn nói trên, nhiều đơn vị vận chuyển nhanh chóng được thành lập và đăng ký, mang đến sự sôi động cho ngành chuyển phát nhanh tại Việt Nam. Theo báo cáo từ Vụ Bưu chính, tính đến ngày 30/9/2021, số lượng doanh nghiệp bưu chính lũy kế đã cán mốc 650 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với cuối năm 2020. Bên cạnh đó, TMĐT giờ không chỉ còn gói gọn trong lãnh thổ Việt Nam mà đã mở rộng phạm vi xuyên biên giới và bất cứ ai cũng có thể trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Sức ép cạnh tranh lớn đòi hỏi mỗi doanh nghiệp trong ngành chuyển phát phải liên tục đầu tư, ứng dụng công nghệ mới nhất cũng như đưa ra các giải pháp sáng tạo.

 

Điển hình như J&T Express cho biết đã cho ra mắt dịch vụ J&T International để gia tăng độ phủ tới đa tệp khách hàng ở cả thị trường quốc tế. Đến nay, doanh nghiệp này đã phủ sóng đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu, đáp ứng nhu cầu vận chuyển đến năm châu. Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022, J&T Express tiếp tục mở rộng mạng lưới ở khu vực Trung Đông, bắt đầu với Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

 

Tương tự, một doanh nghiệp trong ngành chuyển phát là Nhất Tín Logistics cũng cho biết sẽ phát triển và mở rộng thêm các dịch vụ để có thể cung cấp cho khách hàng sử dụng từ đầu đến cuối, kể cả khách hàng trong nước và quốc tế. “Trong năm 2022, chúng tôi sẽ mở thêm nhóm dịch vụ kinh doanh chuyển phát nhanh ra nước ngoài bao gồm chuyển phát quốc tế và Freight Forwarder”- ông Nguyễn Văn Tú - Tổng giám đốc Công ty Nhất Tín Logistics cho biết.

 

Ngoài mở rộng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu chuyển phát quốc tế, ở thị trường sôi động trong nước, để nâng cao vị thế cạnh tranh, nhiều đơn vị vận chuyển không ngừng đa dạng hóa các dịch vụ tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của khách hàng và làm phong phú thêm trải nghiệm của người dùng. Chẳng hạn, đối với nhóm hàng hóa thông thường, J&T Express đã triển khai các dịch vụ giao hàng chuyển phát nhanh và tiêu chuẩn giúp các chủ shop online có thể tối ưu hóa chi phí. Hay dịch vụ J&T Fresh vận chuyển các loại hàng tươi sống, nông sản được nắm bắt và triển khai kịp thời trong mùa dịch đã góp phần hỗ trợ bà con nông dân xử lý bài toán về tiêu thụ nông sản…

 

Cùng với đó, để số lượng đơn hàng khổng lồ được xử lý mỗi ngày luôn song hành với chất lượng, nhiều doanh nghiệp trên thị trường bắt đầu ứng dụng công nghệ 4.0 vào các dịch vụ, tiêu biểu có thể kể đến dịch vụ vận tải với chuỗi cung ứng IoT (Mạng lưới vạn vật kết nối Internet), công nghệ bản sao kỹ thuật số (Digital Twins); dịch vụ kho bãi với ứng dụng nhà kho thông minh hay kho hàng tự động…

 

Theo giới chuyên gia, 2021 cũng là năm để lại nhiều bài học đắt giá cho các đơn vị vận chuyển về vấn đề thiếu hụt nhân sự dẫn đến tắc nghẽn hàng hóa trong giai đoạn giãn cách do Covid-19. Để chủ động đối phó với vấn đề này, trong năm nay các doanh nghiệp cần thực hiện triệt để những giải pháp hạn chế lây lan dịch bệnh, đảm bảo an tâm cho đội ngũ nhân sự. Tiêm vắc xin, khử khuẩn văn phòng làm việc, kho bãi, thực hiện 5K dần trở thành những nhiệm vụ tiên quyết.

 

Theo Congthuong.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang