Giá trị xuất khẩu vẫn tăng
Theo Ban Quản lý KCNC, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trong khu đã hợp tác thương mại hóa thành công 2 sản phẩm gồm: dung dịch rửa tay diệt khuẩn dựa trên nền công nghệ Nano Ag, nước súc miệng và gel rửa tay khô DR OH đáp ứng nhu cầu thị trường. Trung tâm nhận thêm bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp về “Thiết bị chế tạo vật liệu tản nhiệt” ứng dụng sản xuất tấm tản nhiệt phục vụ cho thiết bị điện, điện tử (đèn LED, bộ vi xử lý) và ký thỏa thuận hợp tác với Viện Kỹ thuật công nghiệp Hàn Quốc để tiến tới thành lập Trung tâm Đào tạo Việt - Hàn tại KCNC.
Các DN trong KCNC cũng nỗ lực ổn định hoạt động và xem đó là nhiệm vụ cấp thiết. Tháng 4-2020, khi dịch bùng phát đợt đầu tiên, Ban Quản lý KCNC đã phải kiến nghị UBND TPHCM cho phép các DN trong KCNC và 2 nhà máy lớn nhất là Công ty TNHH Intel Product Việt Nam, Công ty TNHH Samsung được tiếp tục vận hành, không bị gián đoạn theo yêu cầu giãn cách xã hội. Ngay sau đó, thành phố đã có những chỉ đạo, giải pháp hỗ trợ vừa phòng chống dịch vừa giúp DN ổn định sản xuất.
Giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2020 của KCNC đạt 9,397 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ và đạt 46,9% so với kế hoạch. Trong đó giá trị xuất khẩu đạt 8,823 tỷ USD, tăng 23,7% và giá trị nhập khẩu đạt 8,492 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm của KCNC đạt 74,359 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 70,256 tỷ USD và nhập khẩu đạt 63,800 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho 42.246 lao động, giảm 3.426 lao động so với thời điểm 3 tháng đầu năm 2020.
Theo bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý KCNC, để thu hút đầu tư, KCNC đã tiếp xúc đầu tư tại chỗ 26 nhà đầu tư (15 trong nước và 11 FDI), gồm các nhà đầu tư, tư vấn đầu tư và xúc tiến đầu tư quốc tế đến tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư, hợp tác. Tiếp nhận 12 hồ sơ giải trình công nghệ, 4 hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 2 hồ sơ gửi Bộ KH-CN lấy ý kiến xét chọn dự án đầu tư.
Không lơ là phòng dịch
Theo Ban Quản lý KCNC, từ đầu năm đến nay mặc dù bị ảnh hưởng của Covid-19 nhưng các DN trong KCNC đã chủ động tổ chức và sắp xếp lại lao động, đảm bảo người lao động không bị ảnh hưởng quá nhiều từ dịch, ổn định và phát triển trở lại. Từ tháng 4-2020, đoàn thị sát do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra tại KCNC, các Công ty TNHH Intel Products Việt Nam và Công ty TNHH Phần mềm FPT, yêu cầu báo cáo đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại DN. Các DN được phép hoạt động nhưng phải có kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất, theo tinh thần hướng dẫn của Chỉ thị 16 và các quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế. TPHCM cũng đã ban hành bộ đánh giá rủi ro, các DN tự đánh giá, từ đó các đơn vị quản lý, thành phố sẽ kiểm tra, đáp ứng các tiêu chí đề ra mới được phép hoạt động.
Từ tinh thần chỉ đạo của thành phố, đến nay đã có 63 DN nộp bản cam kết đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 và 58 DN báo cáo đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại DN. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cũng tổ chức kiểm tra 10 dự án có quy mô trên 1.000 lao động và 12 DN có quy mô dưới 1.000 lao động về các biện pháp phòng chống dịch. Kết quả: 17 DN có mức rủi ro lây nhiễm thấp (chỉ số CRLN 10-30%) được hoạt động sản xuất kinh doanh kết hợp với kiểm tra định kỳ và 5 DN có mức rủi ro lây nhiễm trung bình (chỉ số CRLN 30-50%). “Từ đây, Ban Quản lý KCNC đã triển khai hướng dẫn các DN tổ chức lại khâu sản xuất và gửi phương án khắc phục cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM theo yêu cầu; phối hợp với Trung tâm Y tế quận 9 xây dựng kế hoạch giám sát 10 DN dưới 200 lao động”, bà Lê Bích Loan cho biết.
Với những diễn tiến phức tạp của Covid-19, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp vừa phòng dịch vừa kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN; đảm bảo an toàn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên Ban Quản lý KCNC sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ DN. Ước tính, năm 2020 giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt 19 tỷ USD, đạt 95% so với kế hoạch đề ra, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đóng góp vào ngân sách thành phố
Theo SGGP