Nóng lòng mở lại đường bay quốc tế
Từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Điều này đồng nghĩa gần 2 năm qua, doanh thu từ mảng khai thác đường bay quốc tế của các hãng bay lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air đều “cụp cánh” đắp chiếu.
Nhìn lại năm 2019, Vietnam Airlines chứng kiến doanh thu hợp nhất đạt mức kỷ lục vượt 100.000 tỷ đồng, trong đó, toàn bộ mạng bay quốc tế chiếm tới 63% tỷ trọng doanh thu của Tổng công ty, hay chiếm 50% doanh thu thị trường quốc tế của VietJet Air. Nếu không có thêm dòng tiền thì sức chịu đựng của các hãng hàng không sẽ chạm tới hạn.
Ông Nguyễn Quang Trung - trưởng ban kế hoạch và phát triển của Vietnam Airlines - cho biết các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước đang rất khó khăn và vô cùng sốt ruột về mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. Nếu tiếp tục đóng cửa nghĩa là thị trường sẽ không có, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ biến mất trên thị trường.
Hiện Vietnam Airlines đang thực hiện các chuyến bay thương mại thường lệ chiều đi sang các nước Úc, Nhật, Hàn Quốc và khu vực châu Âu nhưng chưa được thực hiện chiều về. Các chuyến bay chở khách nhập cảnh đều là chuyến bay công vụ hoặc chở công dân về nước.
Việc mở lại các đường bay quốc tế nếu không thực hiện sớm sẽ lỡ mất cơ hội cạnh tranh điểm đến. Nhiều nước xung quanh Việt Nam kiểm soát dịch tốt đã mở cửa. Các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đã kiểm soát dịch tốt và là thị trường du lịch và đầu tư rất lớn với Việt Nam, cần ưu tiên mở lại đường bay...
Sau khi mở thử nghiệm tại những thị trường trọng yếu, có thể tiến tới mở cửa dần thị trường khác trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh của từng nước. Kế hoạch mở lại đường bay quốc tế của Việt Nam có thể theo hình thức xem xét từng thị trường, chưa nên mở cửa ồ ạt nhưng cần thực hiện sớm để tránh đứt đoạn thị trường quá lâu, đánh mất nhiều cơ hội.
Ông Trung cũng cho rằng nếu mở lại các chuyến bay quốc tế để phục vụ khách đến đầu tư, giao thương, du lịch… mà khách phải cách ly 7 ngày thì chỉ thu hút khách hồi hương. Nếu muốn thu hút khách du lịch thì nên bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát dịch tốt, tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao.
Chủ tịch Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: "Chúng ta đóng cửa vì yếu tố dịch tễ thì việc mở cửa cũng phải xem xét dưới góc độ này. Hay nói cách khác, chỉ mở thị trường nào mà giữa hai nước đã có công nhận hệ thống phòng chống dịch của nhau và dịch bệnh nước đó cũng đã được kiểm soát tương đối tốt, kế đó mới tính đến nhu cầu đi lại. Các thị trường khả thi là các thị trường truyền thống như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga…"
Theo ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cách đây 2 tháng, Bộ Ngoại giao cho biết nhu cầu của công dân về nước khoảng 200.000 người. Nhưng số chuyến bay trọn gói hạn chế không đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, có nhiều người nước ngoài làm việc ở Việt Nam và thân nhân của họ muốn đến Việt Nam để thăm thân.
"Những nguồn khách này là quan trọng, chúng ta phải có quy trình nhập cảnh và thực hiện cách ly y tế theo dõi sức khỏe như thế nào để đảm bảo an toàn cần đặt ra. Tôi ước tính, trong 2 quý đầu năm 2022 có khoảng nửa triệu khách sẽ đến Việt Nam" - ông Cường nhận định.
Sẵn sàng "mở cửa bầu trời"
Còn nhiều băn khoăn khi mở lại đường bay quốc tế, phương châm của Việt Nam là linh hoạt, chậm nhưng chắc, không thể có nguồn lực dự trữ để đóng cửa mãi. Nhiều chuyên gia cho rằng việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế, bắt đầu từ quý 1/2022 là đủ thận trọng, đủ cần thiết, có lộ trình, tránh tối đa tình huống mở ra rồi lại đóng, tiêu hao nguồn lực.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng Nội Bài luôn trong tâm thế sẵn sàng để mở cửa trở lại bất cứ lúc nào. Cảng triển khai tới toàn bộ các đơn vị trực thuộc, từ các công ty phục vụ mặt đất, các đơn vị hàng không, phi hàng không. Đặc biệt, đảm bảo thực hiện chương trình “xanh”, gồm hạ tầng “xanh”, phương tiện “xanh” và con người “xanh”.
Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài được Tổ chức Hội đồng sân bay quốc tế cấp chứng nhận Airport Health Accreditation (AHA). Không chỉ trong nước mà cả các tổ chức quốc tế đều công nhận: “Đây là lời khẳng định của quốc tế rằng chúng tôi tuân thủ tất cả quy trình liên quan và đặt mục tiêu an toàn với hành khách, nhân viên lên đầu tiên”, bà Ngân nhấn mạnh.
Trước đó, Cục Hàng không đã lên kế hoạch mở lại đường bay quốc tế với 4 giai đoạn. Kế hoạch chia làm 4 giai đoạn và dự kiến triển khai ngay trong quý IV/2021.
Giai đoạn 1 sẽ chỉ tổ chức chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương nhưng sẽ không hạn chế thị trường, áp dụng với khách người nước ngoài có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.
Giai đoạn 2 bắt đầu triển khai từ tháng 1/2022, với việc thí điểm các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 vào Việt Nam và hành khách sẽ cách ly 7 ngày tại khách sạn.
Giai đoạn 3 bắt đầu từ tháng 4/2022, bằng việc triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng có chế “hộ chiếu vaccine”.
Giai đoạn 4 dự kiến triển khai từ tháng 7/2022 bằng việc khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu. Trong giai đoạn này, hãng hàng không được cấp phép bay để mở bán theo nhu cầu và slot được xác nhận.
Như vậy, kế hoạch mở lại đường bay quốc tế cũng hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách và doanh nghiệp khi đề xuất bỏ cách ly tập trung 7 ngày bắt đầu từ giai đoạn 3. Hai loại giấy thông hành quan trọng nhất mà du khách cần có vẫn là chứng nhận tiêm đủ mũi vaccine ngừa Covid-19 và giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Theo Diendandoanhnghiep.vn