Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:27:24 GMT+7
Lượt xem: 1158

Tin đăng lúc 06-08-2023

Doanh nghiệp khỏe, nền kinh tế mới khỏe

Sức khỏe của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế. Trong bối cảnh có ít thuận lợi nhưng lại thừa khó khăn, trợ lực như thế nào để giúp doanh nghiệp vượt khó là bài toán cấp bách cần có lời giải.
Doanh nghiệp khỏe, nền kinh tế mới khỏe
Chưa thấy dấu hiệu phục hồi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn đối với sản phẩm tôm và cá tra của Việt Nam

Những cải thiện vào cuối quý II vừa qua mang đến tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia trong và ngoài nước vẫn đưa ra cái nhìn thận trọng về triển vọng tăng trưởng của sáu tháng cuối năm.

 

Chặng đường đầy thách thức phía trước

 

Đơn hàng sụt giảm, lượng tồn kho tăng cao, trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng các loại chi phí và lãi suất ngân hàng vẫn còn cao. Những lợi thế về thị trường trong quý IV/2022 đã không còn vì lạm phát "ngấm sâu" vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sáu tháng đầu năm 2023 đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so cùng kỳ năm 2022. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, tình hình khó khăn hơn cả giai đoạn đỉnh dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp sẽ chịu tổn thất, suy thoái nặng nề và thậm chí không thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn hiện nay.

 

Đối với ngành dệt may, xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 18,6 tỷ USD, giảm 18% so cùng kỳ năm 2022; kết quả đạt được còn xa so với mục tiêu 45-47 tỷ USD trong cả năm nay. Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo giảm 8% so năm 2022, thấp hơn cả năm 2020, khi xảy ra dịch Covid-19,… Ngoài ra, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế.

 

Theo thống kê từ Bộ Công thương, trong sáu tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Mỹ giảm 22,6%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 10,1%, Trung Quốc giảm 2,2%, Hàn Quốc giảm 10,2%, Nhật Bản giảm 3,3%, ASEAN giảm 8,7%... Tổng cầu kinh tế thế giới và các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam suy giảm, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn (gần 200%), xuất khẩu phụ thuộc vào tổng cầu thế giới nên đã bị tác động rất mạnh.

 

Không chỉ xuất khẩu suy giảm, mà nhập khẩu cũng trong hoàn cảnh tương tự. Sáu tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, tư liệu sản xuất chiếm tới 93,7%, nhưng chỉ đạt 142,66 tỷ USD, giảm 18,5% so cùng kỳ năm 2022.

 

Báo cáo về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 6/2023 do S&P Global (nhà cung cấp hàng đầu các chỉ số và nguồn dữ liệu xếp hạng tín dụng độc lập) công bố mới đây cũng cho thấy, PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 6 đạt 46,2 điểm, tăng so mức 45,3 điểm của tháng 5. Mặc dù đã có chút cải thiện, song chỉ số này vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp. Điều này phản ánh sức khỏe ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm.

 

Hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

 

Cho rằng, vốn-tín dụng-lãi suất vay đang là áp lực lớn và căng thẳng nhất hiện nay với ngành hàng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe (VASEP) kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xem xét, điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VND xuống dưới 7% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Tiếp tục cho doanh nghiệp vay từ ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động, tránh việc sa thải người lao động. Bộ Tài chính nên cải tiến quy trình kiểm tra sau thông quan cho các doanh nghiệp, trong đó giảm việc kiểm tra đối với những doanh nghiệp có quá trình vận hành tốt và không có lịch sử vi phạm các quy định về hoạt động xuất, nhập khẩu,… "Đây là thời điểm rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước để các doanh nghiệp ngành hàng có thể trụ được, vượt qua giai đoạn khó khăn này" - ông Trương Đình Hòe chia sẻ.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thách thức, bất cập lớn nhất, cũng là nguyên nhân chính làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, là vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh. Dù đang được quan tâm cải thiện, tháo gỡ dần, khâu thực thi vẫn chậm và yếu, một phần do quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa đủ rõ ràng, nhưng chủ yếu là do nỗi lo sợ trách nhiệm, sợ sai, chưa vì cái chung, trong khi năng lực, trình độ của công chức, viên chức còn hạn chế và khâu phối hợp chưa tốt. Chi phí đầu vào, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; trong khi đầu ra bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, một số lĩnh vực chỉ mới có tín hiệu phục hồi đơn hàng. Mặc dù chính sách vay vốn ngân hàng đã cởi mở hơn, các ngân hàng tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, mặt bằng lãi suất cho vay cao.

 

Bàn về giải pháp, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, giải pháp cần có tính hệ thống và ưu tiên cụ thể. Thứ nhất, cần có đánh giá đúng và trúng thực trạng; từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc. Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt và đúng thời hạn những quyết sách đã ban hành, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay. Thứ ba, sớm quyết định, ban hành các cơ chế, chính sách bổ sung. Với chính sách tiền tệ, ngoài việc cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng, cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay. Còn với chính sách tài khóa, Chính phủ đã cho phép giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất; giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); cân nhắc gói cho vay trả lương (lãi suất 0%) như đã thực hiện thời dịch Covid-19; xem xét chuyển phần tín dụng còn lại của Chương trình phục hồi sang các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện, nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất… Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần quyết tâm cơ cấu lại, tính cả bài toán dài hơi hơn như chú trọng quản lý rủi ro, chuyển đổi số và xanh hóa, phát triển bền vững, bởi đây là xu thế tất yếu hiện nay.

 

Có cùng quan điểm trên, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là thị trường bị thu hẹp, thiếu hụt dòng tiền, còn khó trong tiếp cận vốn vay. Do đó, Chính phủ nên có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cân nhắc giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên,… để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một trong những giải pháp được các chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh là tuyệt đối không được làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân khi ban hành các chính sách, quy định mới.

 

Ông Thân Ðức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10:

 

Nên có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp

 

Để duy trì việc làm cho người lao động, nhiều công ty phải sắp xếp cho người lao động nghỉ thứ bảy theo hình thức nghỉ phép hưởng nguyên lương, hoặc nghỉ không lương với những người đã hết ngày nghỉ phép. Một tuần chỉ làm việc 5 ngày, mỗi ngày 8 giờ, nên chắc chắn thu nhập của công nhân sẽ bị giảm sút. Khó khăn về đơn hàng, ngành dệt may đang đối mặt tình trạng chưa có tiền lệ. Vậy nên, doanh nghiệp ngóng chờ các chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ. Lấy thí dụ từ gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%. Gói hỗ trợ này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023, nhưng đến nay giải ngân đạt tỷ lệ rất thấp, mới được 1-2% tổng số tiền. Có thể thấy, hình thức hỗ trợ này rõ ràng là không hiệu quả. Bởi vậy theo tôi, nên hỗ trợ trực tiếp như: miễn giảm thuế, phí; vay ưu đãi trả lương cho người lao động, thậm chí là hoãn đóng bảo hiểm xã hội nếu cần,… Những chính sách này chắc chắn thực hiện được, hiệu quả nhanh chóng và cũng đã được chứng thực trong thời gian qua.

 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam:

 

Không nên phát sinh thêm quy trình, thủ tục, điều kiện

 

Nhiều vướng mắc dù được đề cập nhưng không được giải quyết. Không ít quy định đẩy doanh nghiệp vào tình trạng "chắc chắn sẽ vi phạm", như Quyết định 490/QĐ-BHXH sửa đổi quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… vừa có hiệu lực vào đầu tháng 4/2023 yêu cầu thời gian nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng. Theo Điều 122, Luật Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp được kê khai nộp trong vòng 30 ngày không bị phạt. Quy định này phù hợp các công tác lao động, tiền lương của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, thường kết thúc vào cuối tháng, sau khi đối chiếu với khối lượng công việc trong tháng. Nhưng với quy định mới, nếu doanh nghiệp không nộp đúng vào ngày cuối tháng, sẽ bị liệt vào danh sách chậm nộp, sẽ bị phạt. Với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, chỉ cần nghe phong thanh có vi phạm, dù vì bất kỳ lý do gì, đối tác có thể dừng đơn hàng ngay lập tức.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang