Chủ Nhật, 24/11/2024 13:10:46 GMT+7
Lượt xem: 2676

Tin đăng lúc 26-11-2019

Doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống giảm sử dụng bao bì nhựa

Quản lý tốt hơn để doanh nghiệp chung tay liên kết cùng giảm thiểu bao bì nhựa, gia tăng sử dụng sản phẩm tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến một Việt Nam tươi đẹp xanh và sạch… Đây là nội dung của Diễn đàn thực phẩm và đồ uống Việt Nam 2019 diễn ra ngày 25/11/2019.
Doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống giảm sử dụng bao bì nhựa
Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn

Diễn đàn có chủ đề “Hành động vì sự phát triển bền vững và quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn” do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội sữa Việt Nam (VDA) và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức. 

 

“Khi dân số Việt Nam tiếp tục tăng cùng với sự gia tăng về thu nhập, tiêu dùng thì rác thải cũng ngày càng nhiều. Vì thế các vấn đề về tính bền vững và các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải vô cùng quan trọng”, bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Amcham Việt Nam phát biểu. 

 

Rác thải từ bao bì nhựa của thực phẩm và đồ uống đang là thách thức đối với môi trường. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, có nghiên cứu cho thấy ở thời điểm năm 2017, lượng rác thải nhựa của Việt Nam trong năm lên tới 2,25 triệu tấn. 

 

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân trong vấn đề rác thải nhựa và là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương. 

 

Theo ông Phạm Hoàng Hải - Chuyên gia về phát triển bền vững của VCCI cho biết, lượng chất thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm đều tăng lên, nhưng chỉ một nửa trong số đó được thu hồi và xử lý. Hiện mới có 7-9% chất thải nhựa được đưa vào tái chế.

 

Tại diễn đàn các nhà quản lý, các nhà khoa học và cả các DN tham dự đã cùng thống nhất quan điểm: Đã đến lúc phải hành động để đáp ứng chương trình hoạt động của UN và lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 7/8/2019 về việc giảm rác thải nhựa.

 

Tại phiên thảo luận thứ nhất của diễn đàn, các diễn giải đã nêu lên những thực trạng về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam và các cơ hội cũng như thách thức của ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Các diễn giả đến từ nước ngoài đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt của các nước trên thế giới cũng như giới thiệu một số giải pháp toàn diện để các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng có thể nhanh áp dụng mô hình vòng tuần hoàn bền vững cho bao bì thực phẩm và đồ uống. 

 

Việt Nam là nước sản xuất để xuất khẩu và hầu hết hàng xuất khẩu đang sử dụng bao bì nhựa. Việc quản lý hiệu quả bao bì chất thải nhựa sau tiêu dùng để không tạo gánh nặng lên môi trường chính là một vấn đề đầy phức tạp.

 

“Đã đến lúc cần quản lý tốt hơn để DN phát triển bền vững. Đã đến lúc các doanh nghiệp không chỉ nghĩ đến kinh doanh đơn thuần, mà cần hướng tới kinh tế tuần hoàn. Hoạt động cụ thể là hạn chế dần lượng bao bì nhựa và tái chế rác thải từ bao bì nhựa”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VCCI phát biểu. 

 

Chiến dịch vì mục tiêu giảm 10.000 tấn rác thải nhựa từ bao bì/năm được phát động từ năm 2007 đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Đến nay sau 12 năm đã đạt được 50 % mục tiêu khi các doanh nghiệp đã giảm được 40.000 tấn rác thải nhựa từ bao bì, góp phần tiết kiệm được 130 triệu USD.

 

Nhấn mạnh đến sự tăng trưởng kinh tế bền vững, bà Mary Tarnowka hy vọng từ diễn đàn này sẽ thúc đẩy các quy định được cải tiến dựa trên khoa học phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo các sản phẩm thực phẩm và đồ uống an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam. Những tiêu chuẩn đó cũng giúp tạo điều kiện cho Việt Nam tăng nhanh xuất khẩu thực phẩm và đồ uống. 

 

Còn nhớ ngày 21/6/2019, với mục tiêu chung là cải thiện môi trường Việt Nam 9 DN gồm TH Group CocaCola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation đã bắt tay nhau thành lập PRO Vietnam - Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam.

 

Ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch PRO Vietnam,  đã chia sẻ các hoạt động của PRO và kinh nghiệm của Singapore và nhấn mạnh:“Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng cần nỗ lực giảm thiểu chất thải nguy hại và rác thải nhựa, giảm sử dụng bao bì nhựa”. 

 

Tổng giám đốc của La Vie Việt Nam Fausto Tazzi đã giới thiệu về các hành động hướng tới tái chế của La Vie và PRO và nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn và nguyên tắc 3R (Reduce - giảm thiểu, Reuse - tái sử dụng, Recycle - tái chế). 3R đang làm thay đổi cuộc chơi trong khi ở Việt Nam sản phẩm tái chế mới đạt tỷ lệ 30%. 

 

Vì vậy trong sản xuất phải tính đến vấn đề phế thải, bao bì thải hôm nay sẽ trở thành nguyên liệu cho ngày mai. Cho dù mất vài năm hay thậm chí một thập kỷ Việt Nam mới hoàn thành mục tiêu cũng vẫn phải là, quan trọng là từ hôm nay phải có tầm nhìn, DN phải xác định sứ mệnh.  

 

“Chúng ta cần hành động cụ thể và cần bắt tay ngay từ bây giờ để phòng ngừa cho 20 năm sau”, ông Adwin Seah đến từ (FIA) phát biểu. Tại diễn đàn các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam cam kết sẽ là người tiên phong để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam và trên thế giới. 

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang