Thứ Năm, 21/11/2024 20:23:53 GMT+7
Lượt xem: 4536

Tin đăng lúc 17-03-2016

Doanh nghiệp triển vọng và thách thức trong quản trị

Theo kết quả khảo sát tháng 1/2016 của Vietnam Report đối với các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng PROSPECT500 (Top 500 doanh nghiệp triển vọng xuất sắc nhất Việt Nam), quản trị doanh nghiệp là yếu tố gây trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trong 3 năm qua (2002-2015) khi có tới gần 44% số doanh nghiệp phản hồi lựa chọn phương án này.
Doanh nghiệp triển vọng và thách thức trong quản trị
Những rào cản bên trong đối với tăng trưởng của các DN PROSPECT500 trong 3 năm qua (2002-2015). Khảo sát doanh nghiệpPROSPECT500 của Vietnam Report, T1/2016

Như vậy mặc dù được coi là động lực của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, triển vọng trở thành những doanh nghiệp hàng đầu của kinh tế Việt nam thời kỳ hội nhập nhưng những doanh nghiệp triển vọng nói riêng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện nay đều gặp phải rào cản nhất định trong vấn đề quản trị doanh nghiệp.

 

 

Thực tế cũng đã cho thấy trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế những năm 2011, 2012 đã chứng kiến sự sụp đổ có hệ thống của những tên tuổi lừng lẫy trên thế giới mà một phần nguyên nhân cũng bắt nguồn từ tư duy quản trị điều hành kinh doanh của doanh nghiệp không linh hoạt và thích ứng với hoàn cảnh. 

 

Trong các công ty quy mô nhỏ, các công ty vệ tinh, vấn đề quản trị có thể chưa phải là vấn đề lớn nhưng ở các doanh nghiệp có tiềm năng trở thành những đầu tàu của nền kinh tế như các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng PROSPECT500, rõ ràng rằng đổi mới tư duy quản trị là vấn đề mang tính sống còn. Thời thế tạo anh hùng, trong bối cảnh thay đổi, hội nhập sâu rộng, con thuyền doanh nghiệp rõ ràng không thể đi xa, nếu chủ thuyền và thuyền trưởng vẫn giữ các xác định bến bờ mục tiêu, vẫn giữ cách chèo lái cũ.

 

Kết quả khảo sát trên của Vietnam Report cũng cho thấy tầm quan trọng của việc quản trị doanh nghiệp trong chiến lược phát triển chủ đạo của các doanh nghiệp. Có tới gần 80% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng việc cải thiện chất lượng đội ngũ quản lý là ưu tiên của mình trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp PROSPECT500 không chỉ nhận ra được tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy lãnh đạo mà còn thấy được những thách thức trong chính nhiệm vụ đó.

 

Trước hết đổi mới tư duy quản trị ở đây hết cần tách biệt giữa quản trị và điều hành. Trong khi việc lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh thực tế thuộc trách nhiệm của CEO và bộ máy điều hành – tức là cơ quan nắm vững công việc kinh doanh nhất, HĐQT có nhiệm vụ xác định tầm nhìn chiến lược cũng như định hướng cho sự phát triển của công ty, hoạch định và giám sát thực hiện các chiến lược phát triển doanh nghiệp. Ban điều hành, đứng đầu là CEO chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động đảm bảo thực hiện các chiến lược đã đề ra. Như vậy, nếu chiến lược của công ty sai thì trách nhiệm này sẽ thuộc về tập thể HĐQT, đặt vấn đề như vậy sẽ thấy tính cấp thiết của việc nâng cao năng lực và phân công nhiệm vụ của từng thành viên HĐQT.

 

Trong thực tế, mô hình quản lý rủi ro ở các công ty mắc phải khuyết điểm là chỉ khoanh vùng quản lý rủi ro ở lĩnh vực vận hành và chỉ thực hành ở cấp CEO và Ban giám đốc. Ngay cả ở hai cấp này việc quản lý rủi ro cũng thường rất phân tán, và không tương thích với các hoạt động quản lý rủi ro ở các bộ phận chức năng khác (ngân quỹ, bảo hiểm, IT, pháp chế, kiểm toán nội bộ…). Trong đổi mới tư duy quản trị liên quan đến quản trị rủi ro, trách nhiệm của HĐQT về quản trị rủi ro bao gồm: nhận diện và đánh giá các loại rủi ro; hoạch định chính sách quản trị rủi ro; và thiết lập các thủ tục theo dõi và báo cáo định kỳ về các quy trình quản trị rủi ro này. Để xác định, giữ vững hay thay đổi chiến lược của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh biến động, việc quan trọng cần làm là định vị năng lực lõi hiện có và phát huy các thế mạnh chuyên môn hữu hình và vô hình của doanh nghiệp.

 

Thứ hai, theo mô hình quản trị truyền thống thì các CEO cổ điển chủ yếu làm công tác quản lý, còn HĐQT đóng vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên sự thất bại của rất nhiều thương hiệu toàn cầu như General Motor, Kodak trong những ngày đầu của Thế kỷ 21 cho thấy, khả năng quản lý tốt của CEO không đủ để thích ứng được với sự biến động chóng mặt của môi trường kinh doanh ngày nay. CEO trong Thế kỷ 21 ngoài năng lực quản lý tốt cũng cần phải là những nhà lãnh đạo xuất sắc, có thể cảm nhận, dự báo và đánh giá những biến động của môi trường kinh doanh bên ngoài và cả những mầm mống vấn đề bên trong tổ chức để chủ động đề xuất những thay đổi lên HĐQT và trực tiếp dẫn dắt những quá trình thay đổi này.

 

Nếu đầu tư cho tầm nhìn chiến lược một cách đúng mức, đồng thời xem xét lại các chu trình hoạt động, loại bỏ những hoạt động thiếu hiệu quả thì khi kinh tế hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp sẽ có một nền móng vững chắc để tiếp tục vươn lên những tầm cao mới với những chiến lược mới.

 

 

Ngày 12/4/2016, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet – Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức tổ chức Buổi Lễ Công bố Danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng và triển vọng năm 2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP Hà Nội. Lễ công bố nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, có triển vọng trở thành những doanh nghiệp xuất sắc, góp phần vào công cuộc khôi phục nền kinh tế nước nhà và từng bước hội nhập vào xu thế phát triển của khu vực và thế giới.

 

 

Nguồn: Vietnamnet.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang