Thứ Sáu, 22/11/2024 05:21:36 GMT+7
Lượt xem: 8289

Tin đăng lúc 31-10-2019

Doanh nghiệp tư nhân rất cần sự đồng hành của Nhà nước và xã hội trên con đường phát triển

Những năm gần đây, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) thực sự đã trở thành động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế đất nước. Đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về "Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ra đời, khu vực KTTN Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh để vươn lên mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Doanh nghiệp tư nhân rất cần sự đồng hành của Nhà nước và xã hội trên con đường phát triển
Doanh nhân là lực lượng nòng cốt trong DN, đưa DN vận hành PT đúng hướng, hiệu quả

Lực lượng DNTN ngày càng lớn mạnh

 

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đang gia tăng mạnh, nếu năm 2017 là 655.000 DN thì đến hết quý I/2019 đã đạt con số 730.000 DN, trong đó, DN khởi nghiệp sáng tạo có khoảng 3.000 DN. Tổng vốn đăng ký mới tăng từ 1.296 tỷ đồng năm 2017 lên 1.478 tỷ đồng vào năm 2018, riêng quý I/2019 có 375.500 tỷ đồng vốn đầu tư mới với gần 320 nghìn việc làm mới. Quy mô của nhiều DNTN cũng ngày càng được mở rộng, một số DN đạt tổng tài sản lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động.

 

Theo sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, khu vực KTTN đóng góp 42% GDP, khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, dịch vụ và thu hút 85% lực lượng lao động cả nước. Vốn của khu vực này chiếm tới 53% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 16,5% so với cuối năm 2016. Như vậy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 10, khu vực KTTN được quan tâm hơn nên sức bật ngày càng lớn hơn,đóng góp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực then chốt.

 

Điển hình có thể kể đến như: Ba công trình lớn là Sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng tầu khách du lịch quốc tế Hạ Long và đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với sân bay Vân Đồn, đều do một tập đoàn tư nhân đầu tư với tổng vốn lên đến 20 nghìn tỷ đồng. Trong lĩnh vực ô tô, Vinfast - chiếc xe hơi đầu tiên mang thương hiệu Việt cũng do một DNTN sản xuất, ngay lần đầu trình làng đã tạo tiếng vang lớn tại cả thị trường trong nước và quốc tế, giúp Việt Nam ghi tên mình lên trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới. Còn trong lĩnh vực hàng không, sau Vietjet Air, Bamboo Airway là hãng hàng không tư nhân tiếp theo ra nhập thị trường, mang lại cơ hội bay cho hàng chục triệu người và làm thay đổi diện mạo kinh tế cho các vùng có đường bay tới. Mới đây nhất là siêu dự án xây dựng thành phố thông minh tại Hà Nội do Tập đoàn BRG liên doanh với Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản triển khai thực hiện với số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD… và còn rất nhiều điều kỳ diệu khác kể từ khi khối DNTN được tham gia đầu tư vào những lĩnh vực mà vốn dĩ xưa nay chỉ có Nhà nước làm được. Điều đó cho thấy, khu vực kinh tế này đang có xu hướng vượt qua khu vực kinh tế nhà nước để trở thành thành phần kinh tế thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội lớn nhất.

 

 

Phối cảnh siêu dự án Thành phố thông minh mới được công bố ngày 4-10 do BRG và Sumitomo thực hiện

 

Cần sự đồng hành trên con đường phát triển

 

Thời gian qua, Chính phủ đã vào cuộc rất mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo dỡ rào cản, giảm chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN, tăng quyền tự do kinh doanh, bảo đảm an toàn hơn trong hoạt động kinh doanh của DN, từ đó đã thúc đẩy khu vực KTTN phát triển.

 

Đã có hơn 3.300 (hơn 50%) điều kiện kinh doanh được cắt giảm, điều này đã tiết kiệm được cho DN và người dân 5,9 triệu ngày công/năm. Mới đây nhất, Việt Nam đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu (tăng 3,5 điểm và 10 bậc năm 2019). Qua đó thấy rằng, toàn bộ hệ thống chính trị đã rất nỗ lực để đưa kinh tế đất nước phát triển và hàng loạt những chương trình hành động đã được thực thi một cách rốt ráo, quyết liệt như: Kiến tạo môi trường cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo,… thúc đẩy mọi thành phần kinh tế sáng tạo, phát triển.

 

Sự nỗ lực không ngừng của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện thể chế đã giúp môi trường kinh doanh của VN tốt hơn rất nhiều, tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Hiện nay, điều mà DNTN lo ngại nhất vẫn là rủi ro chính sách. Nhiều DN cho rằng, họ không cần Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ cần cơ chế chính sách có sự thống nhất và bình đẳng. Điều quan trọng là không để các chính sách bị trễ so với sự phát triển. Đặc biệt, cần phải có những cơ chế đặc thù cho DNTN, cho các dự án đặc thù để phát triển đất nước. Nhà nước hãy có nhiều chính sách tốt hơn nữa để tạo điều kiện cho DNTN có thể “lớn” được đúng với tầm của họ.

 

TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, khối DNTN vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, vì vậy, chính sách của Nhà nước nên tập trung vào khu vực này nhiều hơn nữa để giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất là để DNTN không “sợ lớn”; thứ hai, để DNTN lớn được bằng tài năng và sự cạnh tranh công bằng. Nhà nước cần dùng chính sách để hỗ trợ, nhất là hỗ trợ các DN đang thành công để họ tiến nhanh hơn ra bên ngoài, tất nhiên, sự hỗ trợ này phải dựa trên nguyên tắc cạnh tranh.

         

Có thể thấy, DNTN ngày càng khẳng định vai trò là lực kéo tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế đất nước nhưng để phát huy được tối đa vai trò của khối DNTN, rất cần sự đồng hành của Nhà nước và xã hội trên con đường phát triển của thành phần kinh tế quan trọng này./.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang