Đặc biệt, sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển KTTN ra đời, khu vực tư nhân Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh. Khu vực này đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều DNTN đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và có được lòng tin của người dân.
Hiện nay, mặc dù khu vực tư nhân đã được tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực đầu tư công, song, vẫn còn nhiều dịch vụ công do các cơ quan Nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín; nhiều dịch vụ có tính đăng ký, thông báo, nhưng trên thực tế lại biến thành cơ chế xin – cho... Trước thực tế này, việc xã hội hóa các dịch vụ công là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Để làm được điều này, Nhà nước cần trao quyền cho tư nhân nhiều hơn và thay đổi tư duy “ôm” việc của DN.
Nhiều lợi ích khi DNTN tham gia cung cấp dịch vụ công
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới là Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm được, hoặc không muốn làm. Vì vậy, khu vực tư nhân đã dần dần được tham gia vào nhiều lĩnh vực công của nền kinh tế và đem lại nhiều thành công.
Điển hình có thể kể đến như ngành vận tải, hiện nay, các DN vận tải quốc doanh đã dần thu hẹp lại, nhường chỗ cho các DN kinh doanh taxi, xe khách, xe du lịch, xe tải… phục vụ hầu hết mọi nhu cầu của xã hội. Trong lĩnh vực bán lẻ, những cửa hàng mậu dịch quốc doanh thời bao cấp cũng đã được thay thế bởi các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại trên khắp mọi miền đất nước. Tương tự, trong lĩnh vực công chứng, hoạt động này trước đây hoàn toàn do cơ quan Nhà nước đảm nhiệm, nhưng nay đã có hàng trăm văn phòng công chứng được cấp phép hoạt động trên cả nước, qua đó không chỉ giúp giảm tải cho các phòng công chứng Nhà nước, thúc đẩy các tổ chức hành nghề công chứng không chỉ đổi mới phong cách làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hơn, mà còn góp phần thúc đẩy các giao dịch trong nền kinh tế thị trường.
Không chỉ vậy, ngay cả những lĩnh vực trước đây vốn được xem là “sân chơi” riêng của các DN Nhà nước, hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập như: Sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện lực, y tế, giáo dục,... thì nay đã có nhiều DNTN được tham gia và làm rất tốt, điều này khiến cho các DN Nhà nước phải tự chuyển đổi để ngày càng tốt hơn. Qua đó dễ dàng thấy rằng, sự tham gia của các DNTN vào cung cấp dịch vụ công đã góp phần gia tăng nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản trị, tạo động lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng, giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu của DN và người dân được thụ hưởng các dịch vụ công. Đồng thời, giúp DNTN mở rộng thị trường và chức năng hoạt động, góp phần làm lớn mạnh khối DNTN của Việt Nam.
Xã hội hóa dịch vụ công – kinh nghiệm từ quốc tế
Ở Australia, Bộ Nông nghiệp và nguồn nước (DAWR) thuê các DNTN kiểm tra an toàn sinh học. Để cung cấp dịch vụ, DNTN cần xin được: Phê chuẩn về cơ sở kiểm định; Phê chuẩn về tuân thủ quy định; Dịch vụ quản lý chất thải an toàn sinh học. Đơn vị cung cấp dịch vụ đã được chứng thực đạt tiêu chuẩn sẽ phải tuân thủ các quy định của DAWR về cách thức tiến hành kiểm định, chất lượng thiết kế và xây dựng cơ sở kiểm định, quy trình,... Danh sách các cơ sở kiểm định đã được cấp phép được công bố trên website và một bên thứ ba được thuê để giám sát hoạt động các cơ sở này thường xuyên.Tại New Zealand và Nam Australia, dịch vụ thi bằng lái xe cho tất cả các loại giấy phép cũng được giao cho công ty tư nhân thực hiện. Cơ quan quản lý giao thông New Zealand yêu cầu các phương tiện giao thông phải có Chứng nhận kiểm định phương tiện định kỳ. Các cơ sở kiểm định là công ty tư nhân được cơ quan nhà nước kiểm tra và cấp phép cho cung cấp dịch vụ kiểm định. Việc giám sát và kiểm tra tuân thủ tại các cơ sở này được tiến hành thường xuyên.
Qua đó có thể thấy, khối DNTN được tham gia rất nhiều vào cung cấp dịch vụ công và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là tạo ra cơ chế và giám sát, kiểm tra việc thực thi của DN.
Nhà nước chỉ nên tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế
Tại Hội thảo về vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu cuối cùng của việc để tư nhân tham gia vào cung cấp các dịch vụ công là để thực hiện dịch vụ tốt hơn, chi phí rẻ hơn, thuận lợi hơn cho người dân. Từ kinh nghiệm của thế giới cũng như thực tiễn qua nhiều lĩnh vực ở Việt Nam đã khẳng định, việc để khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công không có nghĩa là Nhà nước không làm gì và không còn vai trò gì.
Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, vai trò của Nhà nước thay vì là “người chèo đò” thì thành “người lái đò”. Tức là, Nhà nước là người đặt ra quy định, tiêu chuẩn, rồi tổ chức thực thi và giám sát việc thực thi của các DNTN. Nhưng cần đảm bảo cơ chế giám sát chặt chẽ, hợp đồng được cấu trúc tốt và đấu thầu minh bạch. Bởi đây chính là biện pháp gỡ bỏ những lo ngại rằng, DNTN sẽ chỉ chạy theo lợi nhuận; khó kiểm soát chất lượng dịch vụ; nguy cơ lừa đảo, gian dối trong kinh doanh… Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương sắp tới không phải là tự mình làm dịch vụ nữa, mà cần tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để thị trường có thể vận hành hiệu quả hơn.
Quỳnh Anh