Đối với các nhà kinh doanh nhạy bén và giàu kinh nghiệm nước ngoài, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ đầy tiềm năng trong khu vực và trên thế giới với dân số trẻ và tăng nhanh cả về quy mô, cũng như thu nhập. Hơn nữa, chính trị và môi trường xã hội ổn định; môi trường kinh doanh ngày càng ngày càng được cải thiện tự do hóa và thuận lợi hơn.
Từ ngày 11/1/2015, Việt Nam chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Theo lộ trình, từ năm 2010, trong quan hệ thương mại hàng hóa ASEAN 6 đã loại bỏ 99,4% số dòng thuế. Đến năm 2014, Việt Nam có tất cả 72% dòng thuế còn 0%, từ 1/1/2015 xấp xỉ 90% số dòng thuế còn 0% và đến năm 2018, ASEAN sẽ dỡ bỏ hoàn toàn rào cản về thuế. Bên cạnh đó là những thỏa thuận FTA sẽ tăng tốc lộ trình giảm thuế giữa các thành viên…
Những điều trông thấy
Nắm bắt cơ hội mới, nhiều hệ thống chuỗi cửa hàng Hachi-Hachi, cửa hàng đồng giá Diaso và các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Nhật như Tokyo Mart, Tokyo Shop… đã ra đời và thực sự tạo “sóng” khi Tập đoàn Nhật Bản Aeon liên tiếp khai trương 2 siêu thị rộng, mỗi cái trên 70.000 m2 tại TP.HCM và tại tỉnh Bình Dương trong năm 2014 và sẽ khai trương thêm một siêu thị nữa tại Hà Nội vào tháng 9/2015. Các siêu thị của tập đoàn này cung cấp hầu hết các vật dụng hàng Nhật cho người tiêu dùng Việt, từ hộp đựng gia vị, thức ăn, thau rổ, thìa, đũa, nồi, chảo, vỉ giấy thấm dầu, khăn lau bếp, nước tẩy rửa bếp… những loại hàng hóa mà Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được.
Lotte (Hàn Quốc) cũng từng bước khẳng định thương hiệu vượt trội của mình bằng những cơ sở trung tâm thương mại-văn phòng và chung cư hỗn hợp hiện đại tại những vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, thị trường đang chứng kiến sự bùng nổ các hoạt động mua bán-sáp nhập-M&A của doanh nghiệp Thái Lan vào các lĩnh vực khác nhau của Việt Nam.
Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã nhanh chân và quyết đoán lặng lẽ hoàn tất (theo lộ trình sẽ kết thức bàn giao vào cuối quý II/2015) thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực phân phối Việt Nam hiện nay trị giá 655 triệu EUR (khoảng 879 triệu USD) để thâu tóm 19 trung tâm phân phối và bất động sản liên quan của Metro Cash & Carry Việt Nam.
Tập đoàn Central của Thái Lan cũng liên tiếp khai trương trung tâm Robins tại Royal City Hà Nội và trung tâm mua sắm Robins tại Crescent Mall, Tp.HCM.
Các doanh nghiệp Thái Lan có danh mục M&A rất rộng so với các nhà đầu tư khác, từ lĩnh vực bán lẻ (Thái An, Cellox, Ichiban, Family Mart, Metro, Robbins, Nguyễn Kim), đến kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm (Vinamilk, Sabeco), nông nghiệp (CP Group), công nghiệp (Siam Cement Group - SCG, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Amata)…
Đến nay, Thái Lan có trên 300 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 6,5 tỉ USD, đứng thứ 10/101 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam. Hàng Thái thu hút được sự quan tâm truyền thống của một bộ phận người tiêu dùng thành thị, nhờ phù hợp thị hiếu, giá thành chỉ nhỉnh hơn hàng Việt một chút, nhưng lại rẻ hơn rất nhiều các sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức... Mẫu mã lại phong phú và đa dạng và chất lượng đang tin cậy hơn nhiều hàng ngoại nhập khác, nhất là về bánh kẹo, hàng tiêu dùng. Trên thị trường, hàng xuất xứ từ Thái Lan đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc. Sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước. Hàng điện tử, điện lạnh đã chiếm đến 70% thị phần. Hoa quả Thái Lan chiếm tới 40% thị phần nội địa nước ta.
Những phi vụ M&A kể trên là tất yếu, mang lại lợi ích cho tất cả các bên, nhất là tăng cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng mua được hàng tốt hơn, với giá rẻ hơn và được đối xử tốt hơn; góp phần tăng động lực cạnh tranh và tái cấu trúc mạnh mẽ ngành thương mại Việt Nam theo hướng văn minh, hiện đại, đồng thời, là minh chứng cho cam kết và thành công của Việt Nam trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Một cuộc sàng lọc khắc nghiệt đang khởi động trên thị trường bán lẻ, với ưu thế dần nghiêng về các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh và dày dạn bản lĩnh thương trường. Nhiều quan ngại trước làn sóng các đại gia nước ngoài lấn sân, thu lợi nhuận trong thương mại nội địa, chuyển tiền về nước và tăng tiêu thụ hàng ngoại qua kênh phân phối của mình. Thậm chí, trong triển vọng kém sáng sủa hơn, từ việc nắm và chi phối hệ thống thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng chi phối các kênh tiêu thụ và sản xuất của Việt Nam tương lai, thu hẹp thị phần hàng Việt trên thị trường Việt, đồng thời, làm tăng cảnh người Việt bán hàng thuê cho người nước ngoài ngay trên đất mình…
Không “khoanh tay đứng nhìn”
Dù sao thực tế thế giới và khu vực như Phillipines, Singapore, Thái Lan, Indonesia vẫn cho thấy, các nhà bán lẻ nội địa về cơ bản luôn giữ vai trò thống lĩnh thị trường, vượt trội cả về số lượng và quy mô thị phần so với các các nhà bán lẻ đến từ các nước khác. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy, dù còn hạn chế về vốn và kinh nghiệm, nhưng tự tin bởi có lợi thế am hiểu về văn hóa bản địa và chi phí kinh doanh thấp so với các doanh nghiệp lớn nước ngoài.
Không khoanh tay thụ động, nắm bắt thời cơ và đáp lại những làn sóng lấn sân từ các thương hiệu lớn nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng thúc đẩy tái cơ cấu và hình thành các chuỗi liên kết mới, tiêu biểu là Tập đoàn Vingroup mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail (thành viên của OceanGroup - Tập đoàn Đại Dương) và đồng loạt khai trương 9 siêu thị và cửa hàng tiện ích đầu tiên mang tên VinMart nằm tại các khu vực đông dân cư và có vị trí giao thông thuận lợi ở Hà Nội, mở đầu cho kế hoạch 3 năm tới sẽ hình thành hệ thống chuỗi 100 siêu thị VinMart và 1.000 cửa hàng tiện ích VinMart trên cả nước.
Mới đây, ngày 6/1/2015, Công ty CP Hiway Việt Nam đã chính thức công bố nhận diện thương hiệu mới, từ Hiway SupperCenter thành hệ thống siêu thị SapoMart, nhằm hướng tới định vị hệ thống siêu thị thân thiện, chăm sóc khách hàng tốt nhất, với mục tiêu trở thành top 5 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đến năm 2020.
Nhiều cơ hội và thách thức sẽ đặt ra với các doanh nghiệp và hàng Việt Nam, đòi hỏi tính chủ động, sự chuẩn bị kịch bản ứng phó, khả năng phản ứng linh hoạt thị trường và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thay đổi cách nghĩ, cách làm và cả về nhận diện thương hiệu, công nghệ kinh doanh theo hướng hiện đại, văn minh, chuyên nghiệp hơn; tổ chức hiệu quả các chuỗi phân phối và tập trung chuyên sâu một số nhóm hàng chủ lực, nhất là hàng Việt, phát huy lợi thế cạnh tranh của lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, hạn chế tối đa nhập khẩu hàng hóa chất lượng kém, giá rẻ...; đồng thời, chính quyền các cấp cũng cần quyết liệt và có giải pháp đồng bộ tăng năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý và đồng hành cùng doanh nghiệp …
Và trên hết, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ, phát triển các tiện ích, nâng cao trách nhiệm xã hội và không ngừng xây dựng, phát triển văn hóa kinh doanh, giữ vững lòng tin, vì quyền lợi và sự hài lòng của người tiêu dùng vẫn là sức mạnh giành chiến thắng của bất kỳ doanh nghiệp nào, dù trong nước hay nước ngoài, cả hiện tại và tương lai./.
Theo TS Nguyễn Minh Phong
chinhphu.vn