Thứ Năm, 14/11/2024 04:59:11 GMT+7
Lượt xem: 2523

Tin đăng lúc 31-03-2020

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để nắm bắt cơ hội từ hiệp định EVFTA?

Sau chặng đường dài gần 10 năm đàm phán với những nỗ lực rất lớn của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), cuối cùng ngày 12/02/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua. Đây được coi là “tấm giấy thông hành” quan trọng để đưa Việt Nam tiến vào thị trường châu Âu.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để nắm bắt cơ hội từ hiệp định EVFTA?
Dệt may là ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA

Tuy nhiên, để chinh phục được thị trường đầy tiềm năng nhưng cực kỳ khó tính này lại không phải là điều dễ dàng. Vậy, các doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị những gì để không bỏ lỡ những cơ hội mà EVFTA mang lại?

 

Cơ hội và thách thức

 

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Hiệp định EVFTA đi vào thực thi sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% trong 2 năm tới, hơn 42% vào năm 2025 và hơn 44% vào năm 2030. Các ngành như dệt may và da giày sẽ được hưởng lợi nhiều nhất với tăng trưởng xuất khẩu đến năm 2035 đạt thêm 13,49 tỷ EUR.

 

Ngay khi hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng cà phê, sản phẩm rau củ quả tươi chế biến, nước hoa quả và hoa tươi được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu. Với thủy sản, 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay. Những mặt hàng máy tính, điện tử và linh kiện thì 74% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Còn dệt may, da giày lần lượt có 42% và 37% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ…

 

Theo TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) thì đây chính là cơ hội rất tốt để Việt Nam tiếp cận thị trường hàng đầu thế giới. Việc mở cánh cửa ra thị trường EU cũng giúp cho chúng ta có được một cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống ở xung quanh và đây cũng là điều sẽ đảm bảo cho nền kinh tế của Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai.

 

Có thể thấy, cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. Bởi, EVFTA có những điều kiện chặt chẽ về hàng hóa xuất nhập khẩu khi thâm nhập vào thị trường này như: Quy tắc xuất xứ; tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; vệ sinh an toàn động thực vật;… trong khi đây là những điểm mà các DN Việt đang còn nhiều hạn chế. Mặt khác, hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên rất chặt sẽ khiến cho các DN Việt quy mô nhỏ, sản xuất manh mún với sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để vào thị trường EU, trong khi đó, những sản phẩm chất lượng cao từ khu vực này sẽ tràn vào Việt Nam, gây áp lực lên các DN trong nước, như vậy, thách thức cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng sẽ rất lớn.

 

DN Việt cần chuẩn bị gì để tận dụng tối đa các cơ hội?

 

Có một thực tế đáng buồn là hiện nay sự hiểu biết của DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa về hiệp định EVFTA vẫn còn rất mơ hồ, thậm chí họ cho rằng đây là sân chơi chỉ dành cho các “ông lớn”. Theo điều tra của VCCI năm 2019 về hiểu biết của DN về EVFTA, với phản hồi của khoảng 8.600 DN được hỏi thì có 1% nói rằng đã tìm hiểu kỹ những cam kết liên quan đến mình, khoảng 21% đã tìm hiểu một chút, còn lại thì chỉ mới nghe nói.

 

Trước thực tế trên, TS.Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng, có 2 điều quan trọng mà các DN trong nước cần chuẩn bị, thứ nhất đó là phải hiểu các cam kết trong EVFTA; thứ hai là phải có đủ năng lực để cạnh tranh và tận dụng tối đa được các cam kết đó. Việc các DN nhỏ và vừa trực tiếp tham gia được vào các hiệp định thương mại quốc tế là điều rất khó, tuy nhiên, các DN này có thể chọn cách tham gia vào chuỗi cung ứng hoặc liên kết với nhau tạo thành chuỗi để cùng làm, cùng kiểm soát sao cho đảm bảo được chất lượng sản phẩm cuối cùng để có thể vào được thị trường EU.

           

 

EVFTA - tấm giấy thông hành quan trọng đưa VN vào thị trường EU

 

DN cần sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước?

 

Theo TS.Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, EVFTA là một hiệp định rất phức tạp, việc hiểu rõ về hiệp định này không hề dễ dàng, nhất là đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, điều mà các DN mong muốn sự hỗ trợ từ phía Nhà nước đó là có một đầu mối để cung cấp thông tin, giúp họ hiểu rõ hơn về những cam kết trong EVFTA, về thị trường và hỗ trợ họ giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi hiệp định. Quan trọng hơn, Chính phủ cần đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để thực sự tạo thuận lợi cho DN. Bởi với những điểm nghẽn này sẽ rất khó để DN tận dụng được tối đa những cơ hội từ EVFTA cũng như những hiệp định thương mại tự do khác.

 

Thông tin tại buổi họp báo của Bộ Công Thương diễn ra ngay sau khi Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở DN; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

Ngoài ra, để giúp người dân và cộng đồng DN hiểu biết hơn về Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa vào vận hành trang website riêng về EVFTA là evfta.moit.gov.vn, trên đó đăng tải toàn bộ văn kiện Hiệp định cũng như tóm tắt và giải thích nội dung cam kết của các lĩnh vực quan trọng trong Hiệp định; cập nhật các thông tin cho nhà xuất khẩu sang thị trường EU; kế hoạch hành động của Chính phủ và các Bộ, ngành, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật đang được xây dựng và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới để thực thi Hiệp định.

 

Có thể thấy, Việt Nam đã mong chờ EVFTA được thông qua từ rất lâu rồi và giờ là lúc hành động. Để tận dụng được các cơ hội, cộng đồng DN cần chủ động và sát cánh với Chính phủ trong những nỗ lực thực thi EVFTA. Tức là DN chuẩn bị về tâm thế và nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh theo hướng dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững; còn Nhà nước cần chuẩn bị về cơ chế là điều quan trọng nhất để đảm bảo tuân thủ các cam kết của EVFTA./.

 

Đức Minh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang