Thông tin vừa được đưa ra tại Diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ -Trung”, ngày 30/6.
Diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Cũng theo khảo sát, khoảng 84% các doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; 81,48% doanh nghiệp gặp bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước…
Không chỉ doanh nghiệp, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, các kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương đều chậm nửa năm so với yêu cầu. Các đầu mối thông tin, phổ biến tuyên truyền về CPTPP cho cán bộ nhà nước, doanh nghiệp cũng chậm. Hành trình cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn nhiều chông gai do chính sách thuế, thủ tục hải quan vẫn nhiều bất cập.
“Việc thực thi các cam kết không phải ở Chính phủ và các bộ, ngành mà chủ yếu ở địa phương và doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu không hiểu về cơ hội từ CPTPP thì làm sao có thể tận dụng được”, bà Trang cho hay.
Từ việc chưa nắm rõ thông tin về CPTPP, khả năng tận dụng ưu đãi vì thế vẫn còn rất thấp. Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) dẫn chứng, hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16.400 triệu USD hàng hóa xuất khẩu, tương ứng với việc chỉ tận dụng được 1,17%.
Đi vào cụ thể từng mặt hàng, ông Khanh cho biết, chỉ có 2 mặt hàng giày dép, sắt thép tận dụng được khoảng 10% cơ hội. Còn dệt may với dự báo cơ hội lớn nhưng chỉ tận dụng được 0,03%, gần như không tận dụng được.
Ông Khanh thông tin, nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến CPTPP. Mặc dù, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có kế hoạch hành động nhưng chưa có kế hoạch thực hiện chi tiết về cơ quan phụ trách, chương trình cụ thể. “Nhiều chương trình hành động còn làm cho có, mang tính đối phó”, ông Khanh bức xúc.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, nếu Hiệp định ký xong mà để đấy thì tất cả lợi ích đó vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Do đó, cần nâng cao hơn sự chủ động của cả bộ máy quản lý, các địa phương và chính doanh nghiệp.
Trước thực tế nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ về CPTPP, nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ trong việc triển khai phổ biến thông tin về CPTPP tới cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia tại Diễn đàn cho rằng, cần có sự chủ động vào cuộc quyết liệt hơn của cả bộ, ngành, địa phương và bản thân các doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất, Nhà nước cần thực hiện đúng, quyết liệt, hiệu quả và có sự tham vấn với doanh nghiệp. Còn với doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt thông tin, tìm hiểu về cơ hội và tận dụng CPTPP; đồng thời, chủ động phản ánh các yêu cầu, những khó khăn gặp phải trong thực tiễn để cùng nhau giải quyết...
TS. Võ Trí Thành cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp phải thay đổi để có sự tự tin, hiểu thấu đáo tham gia vào cuộc chơi của các Hiệp định thương mại tự do với các nước, các thị trường lớn. Doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thông tin từ thị trường. Cùng đó, kết nối và chấp nhận cạnh tranh; huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo.
Theo Thời Báo Ngân Hàng