Sinh ra trong gia đình truyền thống có nghề thêu tay, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng sớm có cơ hội tiếp cận và học nghề thêu từ nhỏ. Tình yêu, lòng đam mê của chị cũng lớn dần từ đó. Vì thế, từng đường kim mũi chỉ, từng họa tiết thêu thấm vào tâm hồn của chị.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng là "tay kim" nghệ thuật. Với lòng yêu nghề, chị luôn tìm tòi, phát triển nghề, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nghề thêu
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng chia sẻ, nghề thêu thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyên Mỹ Đức có từ lâu, thời kỳ hưng vượng nhất là những năm 90 của thế kỉ trước, khi có nhiều đơn hàng sản xuất Kimono xuất khẩu đi Nhật. Từ đó đến khoảng năm 2010, hoạt động sản xuất thêu tay của gia đình cũng như tại địa phương tương đối ổn định nhưng không có gì đột phá. Sau năm 2010, thị trường thay đổi, khó tính hơn, đòi hỏi sản phẩm tinh xảo hơn, có tính nghệ thuật, phần nào gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Nhưng chính những khó khăn đó đã tạo cú hích để những nghệ nhân, người làm nghề thay đổi, tìm hướng đi mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cũng nhờ những thay đổi kịp thời mà nghề thêu không những được giữ gìn mà còn phát triển lên một tầm cao mới.
Ngoài việc trực tiếp thêu, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng còn mở lớp truyền nghề nhằm mục tiêu giữ nghề và lan tỏa nghề thêu tay truyền thống
Nói về đời sống người làm nghề thêu, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng cho biết: Để làm nên những sản phẩm thêu tay tinh xảo phải tốn rất nhiều công phu, phải tỷ mỉ, cần mẫn. Tuy vậy, lâu nay thu nhập của những người làm nghề không tương xứng với công sức và giá trị nghề tạo ra. Nhưng những người làm nghề ở địa phương cũng như nhiều làng nghề thêu khác vẫn gìn giữ và phát huy giá trị nghề. Với đôi tay tài hoa, kết hợp cùng bề dày kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều năm qua, rất nhiều tác phẩm tinh xảo, có hàm lượng nghệ thuật cao vẫn liên tục được tạo ra. Đó là vẻ đẹp riêng có của các làng nghề Mỹ Đức nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung.
Từ đôi tay tài hoa, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã từng bước mở mang, phát triển nghề thêu. Năm 2002, chị thành lập xưởng thêu tay, tập trung nhiều “tay kim” giỏi ở địa phương. Nhờ đó, sản phẩm thêu tay được tạo ra nhiều hơn. Nhưng cùng lúc chị phải lo lắng nhiều hơn khi vừa trực tiếp lo sản xuất vừa tìm đầu ra cho sản phẩm. “Thật may mắn vì trước đó đã nhiều người biết đến nghề thêu của gia đình, phần vì sản phẩm đẹp, có hồn cốt nên việc tìm kiếm khách hàng từng bước thuận lợi” – Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng tỏ bày.
Bức tranh thêu tay Thiền Sen là một trong 05 bức tranh được cấp chứng nhận OCOP 3 sao năm 2024, có hàm lượng nghệ thuật cao
Duy trì sản xuất đến năm 2019, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng nhận thấy, cần phải thay đổi, phải làm điều gì đó đặc biệt, tạo dấu ấn riêng nhằm tạo bước phát triển mới cho nghề thêu tay. Như có sự tương sinh trong nghề, chồng chị - Anh Lê Văn Khoa là họa sĩ đã cùng chị sáng tạo nên dòng tranh “Thêu tay kết hợp vẽ lụa”.
Anh Lê Văn Khoa cho biết, điểm đặc biệt của dòng thêu tay kết hợp vẽ lụa là họa tiết gần thì thêu, họa tiết xa thì vẽ; Toàn bộ nền là vẽ, làm cho không gian bức tranh trở nên thật hơn, sống động hơn. Đây là dòng tranh thêu hội họa cao cấp, có bản sắc riêng. Để làm ra một bức tranh thêu như vậy rất kỳ công, thường sẽ mất khoảng một tháng, có bức mất vài ba tháng.
Theo anh Lê Văn Khoa, dòng tranh thêu tay kết hợp vẽ lụa này được chính thức đưa ra thị trường từ năm 2020. Là dòng sản phẩm cao cấp nên sản phẩm có giá bán cao, dao động khoảng từ 10 triệu đến vài chục triệu, có bức có giá vài trăm triệu. Sản phẩm được nhiều cơ quan, doanh nghiệp đặt hàng để làm quà biếu.
Đầu năm 2024, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng và anh Lê Văn Khoa chuyển đổi mô hình từ xưởng sản xuất thành HTX – HTX thêu tay Mỹ Đức. Sau khi thành lập, được sự quan tâm, hướng dẫn của xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã đưa 05 sản phẩm: Thiền Sen, Quốc hoa đón xuân, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoa Hướng dương, Chùa Một Cột tham gia Chương trình OCOP. Qua đánh giá, phân hạng 05 sản phẩm thêu tay của HTX đã được UBND huyện Mỹ Đức cấp chứng nhận OCOP 3 sao.
Hiện nay, HTX thêu tay Mỹ Đức đã và đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 7 -10 người, với thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Ảnh bức tranh thêu tay Chùa Một Cột - sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2024
Nói về việc tham gia Chương trình OCOP, chị Nguyễn Thị Hằng cho biết, sau khi được xã vận động hướng dẫn, chúng tôi nhận thấy việc tham gia Chương trình OCOP có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của HTX, nhất là trong việc khẳng định chất lượng, giá trị của sản phẩm. Qua Chương trình OCOP, sản phẩm của chúng tôi đã đã được nâng tầm, được nhiều người biết đến, được xã hội công nhân. Trong năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia Chương trình OCOP, mục tiêu nâng hạng OCOP lên 4 sao.
Với tâm huyết giữ nghề, cùng trí tuệ sáng tạo, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã và đang làm mới, làm rạng rỡ hơn nghề thêu tay truyền thống của địa phương cũng như của Hà Nội. Tin rằng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhất là Chương trình OCOP của Thành phố Hà Nội sẽ tạo động lực, tạo niềm tin để cơ sở tiếp tục duy trì và phát triển, tạo ra giá trị đặc biệt, tiếp lửa cho sự phát triển làng nghề của Thủ đô và cả nước.
Minh Ngọc