Theo Văn phòng Điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội, Hà Nội nhiều lợi thế trong triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, 159 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hơn 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR code.
Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP (chiếm 21,3% sản phẩm OCOP của cả nước). Trong đó có 9 sản phẩm OCOP 5 sao, 19 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm OCOP 4 sao, 1.718 sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm OCOP của Thành phố Hà Nội đa dạng về mẫu mã, chủng loại; song song với đó có chất lượng ngày càng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, Thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối giao thương, quảng bá các sản phẩm OCOP. Trong đó, việc đưa các sản phẩm này lên nền tảng số được xem là bước đi tất yếu, góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cũng đã ký kết thỏa thuận với TikTok Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác chiến lược trong việc nâng cao năng lực số và quảng bá sản phẩm OCOP của Hà Nội. Cùng với đó, để mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác tốt lợi thế của các địa phương, các cấp ngành thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày các sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã liên tiếp tổ chức nhiều tuần hàng, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP như: Tuần hàng OCOP, làng nghề, nông sản an toàn Thành phố Hà Nội năm 2025 (Diễn từ ngày 09/5 – 13/5, được tổ chức tại Công viên vườn hoa Lạc Long Quân, Tây Hồ Hà Nội); Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc (Diễn ra từ ngày 15/5 - 19/5, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã Sơn Tây); Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2025 tại Công viên Văn hóa quận Đống Đa, từ ngày 21/5 – 25/5; Sự kiện Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung Tây Nguyên diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 04/6/2025 đến ngày 08/6/2025 tại đường Nguyễn Bặc; Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ, diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 18/6 đến 22/6 tại Công viên Thống Nhất,… Các sự kiện có sự tham gia của hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp với hàng nghìn sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực, sản phẩm đặc sản của Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong nước.
Thông qua các hội chợ, Hà Nội thiết thực hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường và tiếp cận người tiêu dùng
Sở NN&MT Hà Nội đã tham mưu triển khai tổ chức Chương trình phối hợp giữa UBND Thành phố Hà Nội với Bộ NN&MT trong việc xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Đến nay, Hà Nội đã liên kết với 43 tỉnh thành xây dựng được trên 1.500 chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng của người dân Thủ đô và xây dựng được gần 160 chuỗi sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn trong nội bộ Thành phố.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa - Phó giám đốc Sở NN&MT Hà Nội: Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để Thành phố Hà Nội phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Các sản phẩm OCOP của Thành phố đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch kinh tế nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, từng bước cụ thể hoá mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội ngày càng bền vững. Các sản phẩm OCOP của thành phố đã nhanh chóng khẳng định được vị thế, được thị trường đón nhận tích cực nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, bộ ban ngành, sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của các chủ thể, doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP vân còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung, còn lệ thuộc nhiều vào liên kết vùng nguyên liệu đầu vào của các vùng miền trong cả nước, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao, các tiêu chuẩn quốc tế ngày một khắt khe.
Phó giám đốc Sở NN&MT Hà Nội cho rằng: Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung giải quyết một số vấn đề: Đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; Có quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; Phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; Phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế,…
Tuấn Nghĩa
Bài viết có sự phối hợp thông tin của Văn phòng Điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội