Những cải cách môi trường đầu tư của Chính phủ đang phát huy hiệu quả khi vốn đầu tư nước ngoài (gọi tắt là FDI) đăng ký mới vào Việt Nam trong năm 2017 đã lập kỷ lục 23 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.
Báo cáo của Phú Hưng cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Gần vượt qua con số 24,3 tỷ USD của cả năm 2016.
Tính đến ngày 20/8/2017, cả nước có 1.624 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,45 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, có 773 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2016 và 3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,5 tỷ USD, tăng 101,3% so với cùng kỳ 2016.
Cùng thời gian này, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 18 ngành lĩnh vực được đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 11,69 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng đầu năm. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,36 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,28 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. BĐS tiếp tục “rớt” khỏi top 3 lĩnh vực nhận được đầu tư FDI nhiều nhất.
Hàn Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất trong 98 quốc gia vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 6,02 tỷ USD, tương đương 25,7% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,74 tỷ USD, chiếm 24,58% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,92 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2017, TPHCM là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 3,3 tỉ USD, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư, chính thức soán ngôi vị dẫn đầu của Thanh Hóa.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng, trong những tháng cuối năm, dòng vốn FDI được dự báo tiếp tục chảy vào Việt Nam, duy trì vai trò động lực tăng trưởng cho toàn nền kinh tế. Năm nay dòng FDI có thể tăng lên mức kỷ lục 28 tỷ USD.
Trước đó, hồi đầu tháng 8/2017, trao đổi với Bloomberg tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết lượng vốn FDI giải ngân trong năm 2016 sẽ vượt trên 16 tỷ USD, trong khi vốn FDI cam kết được dự báo tăng lên khoảng 28 tỷ USD.
“Kể từ đầu năm đến nay, vốn FDI đã tăng trưởng rất ấn tượng và chúng tôi dự báo các con số sẽ tiếp tục tăng tốt”, ông Đông nói. Việt Nam đặt mục tiêu thu hút nhiều hơn vốn FDI vào các ngành hướng về xuất khẩu, năng lượng và công nghệ cao bằng cách xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện hơn nữa, ông cho biết.
Việt Nam đang rũ bỏ những quan ngại do việc trì hoãn hiệp định TPP gây ra, và tận dụng các lợi thế như chi phí nhân công thấp và dân số trẻ để duy trì sức hút của 1 trung tâm sản xuất. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dưa ra dự báo từ nay đến năm 2019 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Còn theo nhận định của GS Nguyễn Mại - Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE): Những dự báo về FDI này là hoàn toàn khả thi. Với sự ổn định vĩ mô, lạm phát thấp, và tiền đồng khá giữ giá, Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn bằng việc giúp cắt giảm chi phí trong các thủ tục.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 8 tháng đầu năm 2017 - Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW. - Dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh; - Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW. - Dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn, cấp phép ngày 20/4/2017, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn tại Kiên Giang - Dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD |
Nguồn Enternews.vn