Hỗ trợ toàn diện
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), thời gian qua có hơn 80% số chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV không được đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Thực tế, điều mà các DN cần chính là những quy định hỗ trợ cụ thể, như hỗ trợ mặt bằng sản xuất, vốn, công nghệ,… trong khi rất nhiều chính sách chỉ dừng ở những luận điểm mang tính khuyến khích, chung chung và hầu như chưa có quy định hỗ trợ rõ ràng nào. Bên cạnh đó, sự quản lý phân tán, thiếu đồng bộ của các bộ, ngành trong việc thực thi các chính sách liên quan cũng khiến quá trình tiếp cận của DNNVV gặp khó khăn. Hệ quả là trong khi các DN lớn đang có cơ hội tiếp cận các ưu đãi tốt hơn thì nhiều DN nhỏ lại không có đủ lực để theo đến cùng.
Dự thảo dự Luật DNNVV vừa được Bộ KHĐT công bố đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của DNNVV. Thứ trưởng KHĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh: Việc luật hóa những chính sách hỗ trợ DNNVV tuy có chậm so với đòi hỏi của thực tiễn, nhưng chậm còn hơn không. Đây sẽ là khung khổ pháp lý cao nhất, mang tính liên tục, nhất quán, toàn diện trong việc hỗ trợ DNNVV; giúp gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực này thông qua việc thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ trên cơ sở có chọn lọc, phù hợp mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của đất nước cũng như lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia. Đặc biệt, dự thảo Luật này còn xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, các cơ quan T.Ư và địa phương, các tổ chức xã hội cũng như khu vực tư nhân trong hỗ trợ DNNVV; đồng thời, củng cố hệ thống triển khai chính sách hỗ trợ toàn diện, thông suốt từ trên xuống dưới.
Cục trưởng Phát triển DN (Bộ KHĐT) Hồ Sỹ Hùng cho biết: Điểm đặc biệt khác trong dự thảo là đã phân chia các nhóm DN được hỗ trợ với các mức khác nhau chứ không cào bằng để tránh tạo ra sự bao cấp cho các DN thiếu năng lực, không có khả năng phát triển hoặc có nguy cơ cao phải giải thể, phá sản. Điều này sẽ giúp các DN nhận được sự hỗ trợ tốt nhất, đồng thời tránh được lãng phí khi đầu tư vào DN yếu kém.
Vẫn còn những băn khoăn
Theo các chuyên gia, ước tính sẽ có gần nửa triệu DN được hưởng lợi nếu dự thảo Luật DNNVV được thông qua. Cụ thể, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ dư nợ cho vay đối với DNNVV tối thiểu 30% hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi; đồng thời, triển khai các chương trình nâng cao năng lực công nghệ, hỗ trợ đào tạo, tư vấn thông tin cho DNNVV. Ngoài ra, các DNNVV mới thành lập thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 5% so với mức thuế phổ thông trong thời hạn năm năm kể từ khi có doanh thu. Đặc biệt, Dự thảo còn quy định rõ việc phải dành tối thiểu 20% ngân sách hoặc 20% số lượng hợp đồng mua sắm công hằng năm để mua sắm sản phẩm, dịch vụ do DNNVV sản xuất, cung ứng,…
Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Kinh tế Lê Duy Bình tính toán, những chính sách ưu đãi về thuế được nêu trong dự thảo Luật DNNVV sẽ giúp cải thiện hiệu quả tỷ suất lợi nhuận của DNNVV. Dự thảo Luật này nếu được thông qua còn giúp khoảng 40 nghìn DN có cơ hội được cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho thị trường mua sắm công trị giá gần 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm; đồng thời, mở ra cánh cửa để các DNNVV tiếp cận được nguồn vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và quỹ bảo lãnh tín dụng.
Tuy nhiên, dự thảo Luật DNNVV lần này cũng mang đến không ít những băn khoăn về quá trình hiện thực hóa. Thực tế, từ năm 2001 đến nay, không ít chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV đã được triển khai nhưng chỉ khoảng 20% số đó mang lại hiệu quả nhất định. Nhiều DN lo ngại, tuy Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm, nhưng vấn đề là các cơ quan công quyền trực tiếp tiếp xúc với DN có lĩnh hội được tư tưởng này hay không vì hiện nay, phần lớn bức xúc của DN đều đến từ chính quyền địa phương nơi DN đặt cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo TS Trần Du Lịch, tuy các nội dung hỗ trợ trong dự thảo Luật đã được biên soạn khá kỹ, nhưng dường như còn dàn trải. “Chúng ta chỉ nên tập trung vào bốn vấn đề chính là tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường. Trong đó, vấn đề hỗ trợ tín dụng sẽ không chỉ liên quan các ngân hàng mà còn cả quỹ tín dụng DNNVV và quỹ bảo lãnh tín dụng. Đặc biệt, quỹ bảo lãnh phải vận hành với tính chất bảo lãnh chứ không buộc các DN phải thế chấp tài sản, sẽ khiến quỹ hoạt động không hiệu quả”, TS Trần Du Lịch nói.
Bên cạnh đó, tính khả thi của không ít đề xuất cũng được cân nhắc, như việc phải dành tỷ lệ tối thiểu 10% số diện tích đất trong khu công nghiệp mới thành lập cho DNNVV thuê làm mặt bằng sản xuất…, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu nhìn nhận: Cách tiếp cận này dường như còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính hơn là thị trường. Nếu bắt buộc dành 10% số diện tích trong khu công nghiệp cho DNNVV, nhưng họ không đủ tiền thuê, thì chính sách này có hiệu quả không, hay vô hình trung đang hạn chế cả DNNVV lẫn DN phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, Luật DNNVV là một bộ Luật hoàn toàn mới, khác với nhiều bộ luật thông thường vì thực chất đây là một chương trình đầu tư toàn diện vào khu vực DNNVV. Nhưng cũng chính bởi sự khác biệt đó, các nội dung của Luật này phải được quy định theo hướng thực thi được ngay, không chung chung, khẩu hiệu. Luật này cũng chỉ nên có hiệu lực trong một thời gian nhất định khoảng năm năm, sau đó cần tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
|
Theo Báo Nhân Dân điện tử