Thứ Hai, 25/11/2024 11:06:28 GMT+7
Lượt xem: 789

Tin đăng lúc 09-10-2023

Đồng Nai: Doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ nhờ nguồn vốn khuyến công

Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công (KC), thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, tạo sự thay đổi cả về chất và lượng của sản phẩm, từ đó có thêm động lực, nguồn lực phát triển.
Đồng Nai: Doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ nhờ nguồn vốn khuyến công
Hoạt động KC Đồng Nai thời gian qua đã tập trung hỗ trợ các DN đầu tư đổi mới công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Thời gian đầu mới hoạt động, Công ty TNHH MTV Liên Khanh (TP.Long Khánh) chủ yếu mua lại nguyên liệu gỗ về cưa xẻ, lấy phôi. Thiết bị ban đầu chỉ có 2 máy cưa, phôi gỗ Công ty phải đem đi sấy gia công bên ngoài nên bị động về tiến độ sản xuất, số lượng sản phẩm. Đến nay, Công ty đã trang bị 12 máy cưa và đầu tư hệ thống sấy phôi gỗ công nghệ tiên tiến, công suất lớn giúp Công ty luôn kiểm soát được chất lượng sản phẩm, đáp ứng được số lượng theo yêu cầu của khách hàng.

 

Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Liên Khanh Nguyễn Công Thụy, trong quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ phía Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai. Cụ thể, nguồn kinh phí KC địa phương đã hỗ trợ 450 triệu đồng giúp Công ty đầu tư, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Qua đó tạo động lực giúp DN thúc đẩy gia tăng năng lực sản xuất.

 

Tương tự, từ sự nỗ lực của DN và một phần hỗ trợ của nguồn vốn KC thúc đẩy đổi mới máy móc mà một số thương hiệu DN của Đồng Nai như: Găng tay cao su Nam Long, Bảo hộ lao động An Phú Thịnh, nệm Thế Linh… đã dần bước vào hàng ngũ DN quy mô vừa, với doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm.

 

Tại Đồng Nai, hầu hết các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh sử dụng công nghệ trung bình, thậm chí dưới mức trung bình nên sản phẩm tạo ra chưa có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Trong khi đó, nguồn lực để đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường ngày một khó khăn. Nhằm giúp các DN, cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, hoạt động KC Đồng Nai thời gian qua tập trung hỗ trợ các cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra giá trị cao hơn cho nông sản địa phương.

 

Số lượng cơ sở CNNT đảm bảo điều kiện được hỗ trợ bình quân 6-7 cơ sở/năm. Năm 2022, một số DN nhỏ và vừa như Công ty TNHH Tam Hiệp Thành; Công ty TNHH Anh Nghĩa ANCL; Công ty TNHH Thực  phẩm Coco Việt Nam; Công ty TNHH Tương Lai cũng đã nhận được các chương trình hỗ trợ riêng cho từng DN.

 

Trong chương trình KC trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ huy động trên 70 tỷ đồng thực hiện chương trình KC, trọng tâm là hỗ trợ, thúc đẩy các DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ sản xuất. Dự kiến, nguồn kinh phí KC sẽ hỗ trợ 47 DN, cơ sở sản xuất ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến. Riêng trong năm 2023, tỉnh sẽ chi 12,5 tỷ đồng cho công tác KC. Trong đó có việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 9 cơ sở CNNT nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất của DN.

 

Ông Lâm Quang Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Nai cho biết, việc dành nguồn kinh phí dù hạn hẹp để hỗ trợ các cơ sở, DN có tác động lớn, là vốn mồi, tạo hiệu ứng kích thích sự đầu tư của DN. Để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ này, đơn vị sẽ tổ chức khảo sát năng lực công nghệ của DN, cơ sở thuộc nhóm ngành ưu tiên và tư vấn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trước khi xây dựng đề án tại từng DN. Việc này nhằm khuyến khích đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

 

An Nhi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang