Chủ Nhật, 24/11/2024 11:55:02 GMT+7
Lượt xem: 1914

Tin đăng lúc 18-06-2020

Đồng Nai: Gỡ khó cho các làng nghề truyền thống

Đồng Nai hiện có hàng chục nghề truyền thống và mặt hàng làm ra rất phong phú và đa dạng, trong đó có những sản phẩm dùng để trưng bày, trang trí, sử dụng như: Gốm, mộc mỹ nghệ, đá điêu khắc, gang, trầm... Cũng có những sản phẩm là đặc sản ăn rất ngon miệng như: Bánh tráng, chuối sấy, cốm, hủ tiếu, bánh đa, bánh ướt, bột sắn... Chính vì thế, nhiều năm qua, Đồng Nai rất chú trọng việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống.
Đồng Nai: Gỡ khó cho các làng nghề truyền thống
Làng nghề làm gốm ở TP Biên Hòa

Hiện nay, các làng nghề tại Đồng Nai đang giải quyết việc làm cho cả chục ngàn lao động ở các địa phương. Trong đó, có những làng nghề hình thành hơn 10 năm, nhưng cũng có những làng nghề đã tồn tại từ lâu đời, đóng góp rất lớn trong việc nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương.

 

Thời gian qua, có những làng nghề đã tìm ra hướng đi riêng, từng bước củng cố, lớn mạnh dần và vươn xa. Tuy nhiên, cũng có những làng nghề trong tỉnh không theo kịp với quá trình thay đổi, nhu cầu của thị trường nên dần bị thu hẹp và mai một. Nhiều làng nghề của Đồng Nai có sản phẩm rất đặc sắc nhưng khâu xúc tiến thương mại, quảng bá chưa tốt nên dù bán được số lượng lớn trong nước, xuất khẩu, nhưng ít người tiêu dùng biết đến đó là sản phẩm từ làng nghề của Đồng Nai. Trong hàng chục làng nghề trên địa bàn tỉnh mới có 2 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là gốm Biên Hòa (TP. Biên Hòa); nghề trồng và sơ chế nấm Bàu Cối ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh).

 

Để gỡ khó cho các làng nghề truyền thống, từ nhiều năm trước, UBND tỉnh Đồng Nai đã rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển các làng nghề. Vì thế, tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ làng nghề như: Đào tạo nguồn lao động, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý... Ở các địa phương có nghề truyền thống đều có những chính sách hỗ trợ để mở rộng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa do các cơ sở làm ra. Hàng năm, tỉnh đều rà soát phát hiện được những người đã gắn bó lâu năm và có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn nghề truyền thống để vinh danh là nghệ nhân. Qua đó, ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân và khuyến khích họ tiếp tục góp sức để phát triển nghề truyền thống hơn nữa.

 

Chia sẻ với phóng viên, ông Lâm Quang Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Tỉnh rất xem trọng việc lưu giữ và phát triển nghề truyền thống nên những năm qua đã giao cho Trung tâm tìm hiểu và xét tặng danh hiệu nghệ nhân cho gần 10 người. Trong đó có nghệ nhân gỗ mỹ nghệ, nghệ nhân điêu khắc đá, nghệ nhân gốm. Đây là cách tri ân những người đam mê nghề truyền thống và có nhiều cống hiến cho nghề”.

 

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngoài việc hỗ trợ đào tạo nghề, quảng bá giới thiệu sản phẩm cho nghề truyền thống thì còn đưa vào danh mục sản phẩm nông thôn tiêu biểu. Mục đích là để có thêm cơ hội giúp cho nghề truyền thống được vững mạnh và vươn xa.

 

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm; đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường; mở các lớp đào tạo nghề; tổ chức các hội thi tay nghề thợ giỏi, khuyến khích người dân làng nghề phát huy tài năng, trí tuệ, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề một cách bền vững.

 

Thái Bình


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang