Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, ngành Công nghiệp nói chung, CNHT nước ta nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu là doanh doanh nghiệp (DN) Việt Nam đa phần là vừa và nhỏ, không có lợi thế về nguồn vốn, khoa học công nghệ còn ở mức thấp. Ở các lĩnh vực mà các nhà chuyên môn thường gọi là chuỗi giá trị do các nhà sản xuất chi phối như ô tô, điện – điện tử, công nghệ thông tin…, được cho là mũi nhọn về CNHT đã không đạt được như kỳ vọng, nếu không nói là thất bại. Còn CNHT cho ngành Dệt may, Da giày thì cũng không mấy sáng sủa do áp lự canh tranh toàn cầu về chi phí nhân công, giá thành dịch vụ lớn. Đặc biệt là công tác tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu... đều hết sức khó khăn.
Qua khảo sát một số DN về CNHT tại các phía Nam và tại tỉnh Đồng Nai, thì hầu hết lãnh đạo các công ty đều cho rằng, Việt Nam hiện chưa có một đơn vị sản xuất máy hoàn chỉnh, DN sử dụng máy cũ nhập từ nước ngoài, cũng có DN đầu tư máy mới nhưng không phải tất cả đều làm được. DN ngành CNHT dù tăng mạnh nhưng chưa đủ và thiếu các đơn vị hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như: Khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt… Bên cạnh đó, DN cũng mong muốn dễ tiếp cận các nguồn vốn, Nhà nước có chiến lược dài hạn, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn để DN không phụ thuộc vào bên ngoài và yên tâm phát triển.
Lãnh đạo một DN trực tiếp sản xuất các thiết bị cho các tập đoàn lớn trên thế giới cho hay, DN Việt không dễ dàng để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Vấn đề là các đối tác luôn yêu cầu rất khắt khe, đòi hỏi phải có nhà máy, thiết bị đạt chuẩn và giá phải cạnh tranh. DN luôn phải nỗ lực để có những giải pháp tối ưu từ việc đầu tư máy móc, nhà máy đạt chuẩn cho đến đào tạo nhân sự... Trong đó, khó khăn nhất là việc “chảy máu chất xám” khi nhân sự trong ngành Cơ khí rất dễ nhảy việc, dịch chuyển sang khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi các DN nội ngành Cơ khí mất rất nhiều thời gian để đào tạo.
Hơn 10 năm trước đây, tỉnh Đồng Nai đã ưu tiên mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT nên đón được một số DN nước ngoài. Bên cạnh đó, DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực này tăng dần và đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các DN trong nước chủ yếu gia công hoặc làm những sản phẩm đơn giản. Theo các chuyên gia, phát triển CNHT là yêu cầu tất yếu, song đây là vấn đề rất khó khăn, không chỉ một mình cộng đồng DN hay riêng địa phương nào có thể thực hiện thành công. Là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, khu vực Đông Nam Bộ có nhiều điều kiện để phát triển CNHT trong tương lai, điều đó đòi hỏi các địa phương phải liên kết, hỗ trợ nhau phát triển. Đồng thời, các DN CNHT có vốn đầu tư trong nước đa số có quy mô nhỏ và vừa nên quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, giao thương…
Đồng Nai hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực CNHT kết nối với đối tác nước ngoài sản xuất linh phụ kiện ô tô, xe máy
Theo ông Bùi Vĩnh Nhật - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Nhật Gia (TP.Biên Hòa) cho biết, Công ty Nhật Gia có đội ngũ nhân lực được tu nghiệp ở nước ngoài có chất lượng cao trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, song sản phẩm làm ra vẫn đang gặp khó khăn về thị trường. Trước sự cạnh tranh gay gắt với nhà cung ứng ngoại, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ DN trong nước. Trong đó, việc xây dựng các cơ quan làm đầu mối, tổ chức hội thảo, hội chợ, kết nối giao thương giữa nhà cung ứng với DN sản xuất rất quan trọng.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như vậy, lại phải trải qua nhiều năm dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu do xung đột, chiến tranh từ năm 2020 đến nay, nhưng công nghiệp chế tạo ở Đồng Nai vẫn đang phát triển khá đa dạng với nhiều ngành nghề khác nhau như: Cơ khí, điện tử, linh kiện máy móc... Nhiều tập đoàn FDI đã đầu tư vào đây, có thể kể ra những cái tên như: Bosch, Hansol Technics, Intops, Posco, Schaeffler, Nok, Meggitt… Ngoài ra, mỗi năm Đồng Nai thu hút vài chục dự án mới của DN FDI vào lĩnh vực chế tạo. Các quốc gia, vùng lãnh thổ dẫn đầu trong đầu tư vào công nghiệp chế tạo ở Đồng Nai là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Liên minh châu Âu (EU)… Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện cũng đã thành lập Chi hội ngành CNHT với gần 40 thành viên, chuyên sản xuất các thiết bị, linh kiện cung ứng cho DN FDI trong và ngoài tỉnh và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong 5-6 năm qua, nhiều DN Đồng Nai đã trở thành nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các DN Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Được biết, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, CNHT chiếm khoảng 21 - 23% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Đồng Nai cũng sẽ tìm cách tạo cầu nối liên kết giữa CNHT với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh hợp tác chặt chẽ với nhau, phát triển thêm các khu, cụm CNHT cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo. Tỉnh cũng sẽ thường xuyên phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cùng các đơn vị liên quan tăng cường trao đổi thông tin, triển khai các chính sách hỗ trợ một cách hợp lý, kịp thời để thúc đẩy DN CNHT trên địa bàn tỉnh phát triển.
Trên cơ sở đó, Đồng Nai cũng sẽ cùng các địa phương trong khu vực tăng cường liên kết, hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến xây dựng nền công nghiệp tự chủ của Việt Nam. Cụ thể, sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức các hội nghị liên kết vùng Đông Nam Bộ trong định hướng phát triển công nghiệp và CNHT theo lợi thế của từng địa phương; nghiên cứu, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp và CNHT...
Minh Vũ