CNHT đã giữ vị trí then chốt
Tỉnh Đồng Nai hiện đã trở thành một trong những trung tâm hàng đầu của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước về sản xuất công nghiệp. Trong đó, có hơn 60% sản phẩm công nghiệp thuộc lĩnh vực CNHT được cung ứng cho doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, tăng giá trị gia tăng.
Địa phương này được đánh giá là nơi cung ứng nguyên liệu đầu vào lớn và hiện đại hàng đầu của Việt Nam. Thời gian qua, nhiều DN Việt đã trở thành đối tác cung ứng cho những tập đoàn lớn như: Samsung, Kenda, Vision, Mitsubishi, LG, Bosch...
Theo bà Nguyễn Hoàng Quyên - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai) hiện trên địa bàn tỉnh có trên 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chiếm tỷ lệ hơn 11,4% tổng số doanh nghiệp và tạo việc làm cho hơn 158.000 lao động.
Trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh Đồng Nai tính đến nay có đến 2/3 kim ngạch xuất khẩu thuộc về nhóm hàng CNHT. Hiện Đồng Nai là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Có nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã tham gia vào chuỗi sản xuất quan trọng của thế giới như: Sản xuất linh kiện máy bay, tàu thủy, máy tính, máy móc công nghệ cao...
Các DN ở Đồng Nai được các nhãn hàng trên thế giới đánh giá cao về tính năng động, có khả năng hoàn thành được nhiều đơn hàng khó, số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên vẫn phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp nước ngoài
Tại Đồng Nai, từ hơn 10 năm trước đã ưu tiên mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT nên đón được nhiều DN nước ngoài. Đối với DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực này cũng tăng dần và đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, mới chủ yếu là gia công hoặc làm những sản phẩm đơn giản.
Mặc dù được đánh giá là địa phương có CNHT tương đối phát triển, tuy nhiên trên thực tế, ngành phụ thuộc rất nhiều từ các DN nước ngoài. Trong tổng số các DN CNHT thì có đến hơn 80% là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN nội phần lớn quy mô nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các đối tác. Bên cạnh đó, sự kết nối, liên kết giữa các DN với nhau còn yếu, sự liên kết giữa DN CNHT chủ yếu diễn ra giữa các đối tác có vốn đầu tư nước ngoài với nhau. Sự tham gia của các DN nội vào chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế tạo của thế giới mới bắt đầu...
Đẩy mạnh phát triển CNHT
Từ rất sớm, tỉnh Đồng Nai đã căn cứ vào những quy định của Trung ương để ban hành những chính sách đặc thù hỗ trợ DN trong lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh một cách kịp thời. Bên cạnh đó là những bước đi hết sức chủ động để hiện thực hoá mục tiêu phát triển CNHT nhằm giúp DN tăng tính cạnh tranh.
Trong Đề án Quy hoạch của tỉnh đã định hướng, Đồng Nai phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, là động lực tăng trưởng chính trong những năm tới của nền kinh tế. Trong đó, tỉnh chú trọng vào CNHT cho nhóm ngành giá trị cao trong nước và trên thế giới, đồng thời duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ các nhóm ngành chủ lực còn lại. Nền tảng cho ngành công nghiệp của tỉnh bứt phá là các bước tiến trong khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ 4.0, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hướng tới hoàn thiện chuỗi giá trị của các ngành nghề, lĩnh vực thế mạnh.
Ngành CNHT bao gồm công nghiệp cơ khí, chế tạo là một trong những trụ cột trong sản xuất công nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục được chọn lọc để hiện đại hóa
Để phát triển công nghiệp hiện đại, Đồng Nai xác định tập trung vào 5 nhóm ngành chính là: Công nghiệp chế tạo máy và cơ khí chính xác; điện, điện tử; sản xuất phương tiện vận tải; hóa chất và nhóm ngành sản xuất, chế biến thực phẩm. Đây được coi là thỏi nam châm thu hút đầu tư từ các DN, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế tạo máy và cơ khí chính xác phấn đấu đóng góp vào tăng trưởng thuộc nhóm đầu cả nước. Tập trung nâng cao giá trị khâu sản xuất, lắp ráp và hình thành trung tâm nghiên cứu, phát triển chuyên biệt để có thể phát huy hết tiềm năng và giá trị của ngành. Ngành điện, điện tử phấn đấu đến năm 2030 lọt vào tốp 3 cả nước; ngành sản xuất phương tiện vận tải tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô, xe tải, xe thế hệ mới (xe điện) và linh kiện máy bay. Đồng Nai sẽ từng bước tham gia sâu nghiên cứu, phát triển và trở thành trung tâm sản xuất linh kiện phương tiện vận tải của vùng.
Trước mắt, mục tiêu của Đồng Nai trong phát triển CNHT là phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của nhóm ngành nằm trong danh mục ưu tiên phát triển của Chính phủ tăng trưởng bình quân từ 2 - 5% mỗi năm. Đến hết năm 2025, giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 21 - 23% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện thông tin dữ liệu DN ngành về CNHT, tạo cầu nối liên kết giữa CNHT với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chính hợp tác chặt chẽ với nhau. Tỉnh đã và đang phát triển thêm các khu, cụm CNHT cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo, đặc biệt là các chính sách về tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý… Việc xây dựng chiến lược đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cũng được xem là giải pháp quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, bởi việc nâng cao trình độ công nghệ chính là chìa khoá để phát triển CNHT.
Trường Phạm