Thứ Năm, 21/11/2024 20:07:23 GMT+7
Lượt xem: 324

Tin đăng lúc 05-08-2024

Đồng Tháp: Khuyến công giúp doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nâng cao khả năng cạnh tranh

Phải nói, hoạt động khuyến công (KC) của Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chương trình KC đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tại đây bứt phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng Tháp: Khuyến công giúp doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nâng cao khả năng cạnh tranh
Dây chuyền sản xuất đường phèn tại Công ty TNHH Tân Dương Đồng Tháp (phường An Bình A, TP Hồng Ngự)

Trong năm 2023, từ nguồn kinh phí KC địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) Đồng Tháp đã hỗ trợ 17 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 22 cơ sở CNNT với các ngành nghề như: công nghiệp (CN) cơ khí; CN chế biến nông - lâm - thủy sản; CN chế biến thực phẩm. Các loại máy móc hỗ trợ khá đa dạng về chủng loại như: Máy xay xát gạo mini; máy tách màu gạo; máy sấy gia nhiệt năng lượng mặt trời; máy sấy lạnh; máy sấy thăng hoa; máy đóng gói; máy cắt, khắc kim loại CNC Laser; máy móc phục vụ quy trình sản xuất khác (máy chiết rót, máy ghép mí lon...).

 

Với sự “trợ lực” kịp thời từ chương trình KC đã giúp các DN nâng cao năng suất hoạt động, mở rộng thị trường và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Công ty TNHH Tân Dương Đồng Tháp, phường An Bình A, TP Hồng Ngự là một trong 22 đơn vị được TTKC Đồng Tháp hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất trong năm qua. Với việc được hỗ trợ, trang bị kịp thời máy sản xuất đường phèn 1,8T vào dây chuyền sản xuất khép kín, góp phần giúp Công ty tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng thành phẩm, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, mở ra cơ hội trong phát triển thị trường tiêu thụ. 

 

Ông Tào Tấn Tài, Giám đốc TTKC Đồng Tháp cho biết, trong thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh, Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố phối hợp triển khai có hiệu quả các Đề án KC. Qua đó, chất lượng các đề án ngày càng nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển CNNT tại địa phương. Các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị nghiệm thu và đưa vào hoạt động đã giúp cho DN, cơ sở nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Các đề án hỗ trợ KC cũng giúp lan tỏa, khuyến khích các cơ sở đổi mới, cải tiến công nghệ, thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Công tác hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất giúp DN có điều kiện đẩy mạnh chế biến sâu cũng được ngành Công Thương và TTKC Đồng Tháp quan tâm. 

 

Trong năm 2023, hoạt động KC hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, đảm bảo phát huy tối đa nguồn lực, năng lực của cơ sở CNNT; phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu, tạo ra những sản phẩm mới, mang hàm lượng yếu tố công nghệ như: Tinh dầu sen, sữa bột sen, sữa bột ấu, hạt sen, sữa chua, đông trùng hạ thảo... 

 

Thời gian qua, UBND tỉnh công nhận 37 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; từ nguồn kinh phí KC địa phương, ngành Công Thương tỉnh triển khai thực hiện 17 Đề án KC địa phương, với tổng kinh phí 9,529 tỷ đồng (kinh phí KC hỗ trợ 3,882 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của 22 cơ sở, DN nông thôn 5,647 tỷ đồng). 

 

Trong năm 2024, Chương trình KC tiếp tục triển khai, đồng hành cùng các chính sách hỗ trợ DN, DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các đơn vị, cơ sở CNNT tiếp cận, tìm hiểu, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất theo hướng tối ưu chi phí nhân công, hao phí nguyên liệu, góp phần tạo ra sản phẩm mới mang hàm lượng yếu tố công nghệ trong chế biến... 

 

 Lê Phương 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang