Sự kiện được chờ đợi
Với thông điệp “Khuyến mãi tốt - Giá trị thật”, TKM Hà Nội 2016 một lần nữa khẳng định uy tín của các doanh nghiệp (DN) tham gia, với hàng hóa minh bạch về nguồn gốc, chất lượng, giá cả hợp lý. TKM năm nay thu hút hơn 500 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh…, với hơn 1.000 điểm bán hàng khuyến mãi tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Điểm nhấn của TKM là "Ngày vàng khuyến mãi", thực hiện giảm giá 20-50% các mặt hàng và bán hàng đồng giá tạo cơ hội mua sắm cho NTD, thúc đẩy tiêu thụ cuối năm cho các DN. Đáng chú ý, khoảng 1/3 điểm bán hàng khuyến mãi được tổ chức tại khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất… phục vụ đối tượng công nhân, người thu nhập thấp.
Cùng với chương trình “Tuần hàng Việt”, các chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút hàng nghìn lượt người dân đến tham quan, mua sắm. “Tuần hàng Việt” tổ chức tại huyện Quốc Oai mới đây đã trở thành sự kiện nổi bật đối với người dân trong huyện. Chị Phan Thị Hoài (xã Cộng Hòa) sau khi chọn mua được khá nhiều đồ dùng thiết yếu đã nhận xét, hàng hóa phong phú từ thực phẩm, hàng tiêu dùng đến đồ gia dụng, thời trang… giá cả hợp lý, lại là hàng Việt bảo đảm chất lượng nên rất ưng ý.
Không chỉ người dân hào hứng với “Tuần hàng Việt”, mà các DN tham gia cũng rất phấn khởi trước sự quan tâm của người dân với sản phẩm thương hiệu Việt. Đại diện Công ty Giày Anh Khoa bất ngờ trước sự quan tâm của bà con với hàng Việt và bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều hơn những “Tuần hàng Việt” để DN tham gia, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, đồng hành cùng với chương trình từ nhiều năm qua, Hapro đã đưa những mặt hàng giảm giá thật, chất lượng tốt đến với NTD. Đặc biệt, các điểm "vàng" mua sắm đã thực sự trở thành sự kiện được chờ đợi và thu hút nhân dân đến tham quan, mua sắm trong tháng 11 hằng năm.
Qua 10 tháng của năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 3 "Tuần hàng Việt" cùng hàng trăm chuyến hàng lưu động về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ nay đến cuối năm, Sở sẽ tiếp tục triển khai khoảng 200 chuyến hàng lưu động phục vụ công nhân và người dân ngoại thành những mặt hàng thiết yếu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. |
Cần chiến lược đồng bộ
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, kết quả nổi bật nhất của TKM, chương trình “Tuần hàng Việt”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”… là sự tương tác hai chiều giữa DN và người dân khu vực nông thôn, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành vi của NTD, theo hướng ưu tiên mua hàng sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" một số nơi còn tổ chức rời rạc, thiếu liên kết. Những chuyến hàng về đến xã diễn ra trong thời gian ngắn, mẫu mã sản phẩm chưa phù hợp nên chưa thu hút được người mua… DN tham gia chương trình gặp không ít khó khăn do phải tự trang trải kinh phí, trong khi sức mua của người dân hạn chế bởi thu nhập chưa cao. “Để có nhiều hơn nữa các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân, những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN cần phải được ưu tiên hơn nữa. Có như vậy mới thật sự khuyến khích DN tích cực tham gia” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty May Hùng Nguyệt chia sẻ.
Để những chuyến hàng Việt về nông thôn đạt kết quả tốt hơn, rất cần một chiến lược đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả. Cùng với những giải pháp thiết thực của các sở, ngành trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số chuyến bán hàng, DN rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển các điểm bán cố định tại địa phương. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các DN giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng với chất lượng và giá cả hợp lý.
Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD cũng như các DN làm ăn chân chính.
Nguồn Hanoimoi