Đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Nếu vào cuối năm 2014, tổng công suất của toàn hệ thống điện đạt 34.000 MW, thì đến cuối năm 2019 đạt 54.850 MW. Trong giai đoạn 2014-2019, điện thương phẩm tăng trưởng bình quân 10,5%. EVN đã cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế, với sứ mệnh “Điện đi trước một bước”.
Có thể nói, hệ thống lưới điện quốc gia là một thể thống nhất, vươn tới mọi miền của đất nước với trên 8.200 km đường dây 500 kV, gần 17.500 km đường dây 220 kV, hơn 20.000 km đường dây 110 kV và 31 trạm biến áp 500 kV, 129 trạm biến áp 220 kV, 704 trạm biến áp 110 kV. Tiếp nối thành công của đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1, sau 25 năm, hệ thống điện truyền tải đã có thêm mạch 2 và đang hoàn thiện phân đoạn cuối cùng của mạch 3 vào năm 2020, tạo nên trục truyền tải siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam hoàn thiện gồm 3 mạch với tổng chiều dài gần 4.000 km, kết nối vững chắc hệ thống điện toàn quốc đáp ứng yêu cầu về độ an toàn và tin cậy. Lưới điện của Việt Nam cũng đã kết nối với lưới điện các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia ở các cấp điện áp từ 22 kV tới 220 kV.
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện thành công nhiều giải pháp đồng bộ cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN đã giảm từ 8,87% (năm 2013) xuống 6,39% (năm 2019). Tính cả giai đoạn 2013 - 2019, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN giảm được 2,48%, bình quân mỗi năm giảm 0,41% và đã tiệm cận với mức tổn thất điện năng của các nước phát triển.
Thực hiện tốt Chương trình điện khí hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ vững chủ quyền biển đảo…
Đến cuối năm 2019, đã có 100% số xã và 99,52% số hộ dân có điện (tăng 1,63% so với cuối năm 2012). Bên cạnh đó, để các hộ dân được hưởng giá điện của Chính phủ, EVN cũng đã thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến từng hộ dân. Đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp tới 10.285 xã phường, tăng tỷ lệ số hộ dân nông thôn được mua điện trực tiếp của ngành Điện từ 89,9% năm 2012 lên 93,5% năm 2019.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Điện đã đưa lưới điện quốc gia vượt trùng khơi vươn tới các huyện đảo tiền tiêu Tổ quốc, đem ánh sáng của Đảng đến với nhân dân các vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo. Hiện nay, EVN đã hoàn thành việc tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo.
Nhà máy Thủy điện Sơn La - một công trình tầm vóc, quy mô lớn của ngành Điện
Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHKT
Ngày nay, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành Điện đã trưởng thành vượt bậc, có trình độ và kỹ năng ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ, đủ sức làm chủ các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống điện qui mô lớn. Nhiều công trình điện lớn, phức tạp, có qui mô tầm khu vực ngày nay đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trong nước thiết kế và thi công như công trình đường dây siêu cao áp 500 kV, hàng chục nhà máy thủy điện và nhiệt điện quy mô lớn, trong đó tiêu biểu là công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu.
Các đơn vị cơ khí điện lực đã phát huy nội lực trong sản xuất, sửa chữa và chế tạo các thiết bị điện thay thế nhập khẩu chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, tính cạnh tranh sản phẩm trong cơ chế thị trường ngày càng cao. Hiện nay, cơ khí Điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao như các máy biến áp 220 kV công suất đến 250 MVA; máy biến áp 3 pha 500 kV – 467 MVA, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV; tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thuỷ điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng quốc gia.
Công nghệ tự động hóa điều khiển, kỹ thuật số cũng được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và vận hành hệ thống điện, thị trường điện, thực hiện điều khiển xa không cần người trực khoảng 600 trạm biến áp 220 – 110 kV. Công nghệ thông tin được sử dụng hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, xây dựng thành công nhiều hệ thống phần mềm lớn dùng chung toàn Tập đoàn.
Hiện EVN đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực để sớm đưa EVN trở thành doanh nghiệp số.
Dịch vụ khách hàng chất lượng cao
5 năm qua, ngành Điện đã có nhiều đổi mới trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng với việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước số hóa các dịch vụ, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ với phương châm “Lấy khách hàng làm trung tâm mọi hoạt động”. Đến cuối năm 2018, EVN đã chính thức công bố cung cấp các “Dịch vụ điện trực tuyến” cấp độ 4, đây là cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ, tăng tính công khai minh bạch và tạo mọi thuận lợi cho khách hàng.
Cùng với đó, chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc, góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Theo kết quả đánh giá của Nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (nằm trong nhóm ASEAN-4), đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia/ nền kinh tế (tăng 129 bậc trong 6 năm qua).
Thực hiện tái cơ cấu, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất điện
Thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức hoạt động từ năm 2012. Đến nay đã có 98 nhà máy điện trực tiếp chào giá tham gia thị trường điện với tổng công suất 25.735 MW, chiếm 46,9% tổng công suất đặt của hệ thống điện. Năm 2019, thị trường bán buôn điện canh tranh chính thức vận hành và đang hướng tới mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2021.
Với những thành quả cơ bản nói trên, tin tưởng rằng, EVN sẽ tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật năm 2020 và trở thành Tập đoàn kinh tế ngày một phát triển vững mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả, góp phần thúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Phương Mai