Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết FTA giữa một bên là Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á-Âu và các quốc gia thành viên bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan đã được hai bên khởi động từ tháng 3/2013, qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ. Ngày 29/5/2015, Thủ tướng Chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có văn bản thông báo việc hai bên đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn và Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016.
Sau khi Hiệp định có hiệu lực, hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi.
Hiệp định bao gồm các chương chính về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), công nghệ điện tử trong thương mại, cạnh tranh, pháp lý và thể chế.
Hiệp định này đi vào có hiệu lực, cùng với việc Việt Nam là đối tác đầu tiên ký FTA với Liên minh sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường rộng lớn với khoảng 175 triệu dân và GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD, từ đó xâm nhập sang các nước thuộc Liên Xô (cũ). Hơn nữa, đây cũng là một thị trường mới mở cửa, có mức tăng trưởng GDP khá và tương đối ổn định, có cơ cấu danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu không mang tính cạnh tranh mà chủ yếu mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam.
Hơn nữa, Hiệp định còn giúp Việt Nam thu hút đầu tư trong những lĩnh vực phía Liên minh có thế mạnh như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất năng lượng, chế tạo máy, hóa chất.... Đồng thời, thông qua FTA này, Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh và mở rộng đầu tư sang các nước Liên minh trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, chế biến, khai thác dầu khí.
FTA có hiệu lực cũng giúp Việt Nam mở rộng cơ hội tiếp thu công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và công nghiệp như năng lượng, dầu khí, công nghệ chế tạo máy..., giúp cho doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh, học hỏi và trao đổi kiến thức quản lý tiên tiến. Những cam kết về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong FTA cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư minh bạch, thông thoáng, thuận lợi.
Hiệp định này còn có vai trò quan trọng trong việc tăng cường các quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh, đặc biệt là củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Nội dung chi tiết của Hiệp định có thể tải xuống tại địa chỉ sau (Hiệp định được ký chính thức bằng tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt dùng để tham khảo).
Nguồn: Chinhphu