Sự lên xuống của giá dầu tác động đến các nước sản xuất dầu mỏ ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào quy mô nền kinh tế cũng như lượng dự trữ ngoại hối tích lũy được trong những năm giá dầu đạt đỉnh. Do đó, vấn đề quan trọng là giá dầu sẽ ra sao trong thời gian tới, qua đó các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ mới có thể quyết định các chính sách tài khóa của mình.
Chuyên gia kinh tế Mohammad Al Asoomi thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và phát triển xã hội của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đánh giá rằng dựa trên các số liệu mới đây nhất, giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục đà đi xuống trong ngắn hạn.
Theo chuyên gia này, giá dầu sẽ chỉ có thể tăng trở lại trong trung hoặc dài hạn nếu các giải pháp hiệu quả được đưa ra nhằm củng cố thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong ngắn hạn, thế giới có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới, khiến nhu cầu dầu mỏ tiếp tục suy yếu, trong bối cảnh sản lượng tiếp tục gia tăng sau khi các lệnh trừng phát quốc tế đối với Iran được dỡ bỏ vào đầu năm tới.
Các số liệu mới nhất cho thấy, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, trong khi kinh tế Brazil gần như đã bước vào suy thoái. Một số nền kinh tế như Ấn Độ, Canada, thậm chí các nền kinh tế ở châu Âu cũng được dự báo có thể đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng hoặc rơi vào một cuộc suy thoái toàn diện. Hậu quả là giá dầu tiếp tục lao dốc và có thể xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng.
Theo đánh giá của chuyên gia Asoomi, giá dầu chỉ có thể dần phục hồi trong trung hạn và dài hạn nhờ một số nhân tố, trong đó hàng đầu vẫn là khả năng Mỹ cắt giảm sản lượng dầu đá phiến.
Xét trên góc độ hiệu quả đầu tư, nếu giá dầu dưới 70 USD/thùng, hoạt động chiết suất dầu đá phiến sẽ không khả thi. Giá dầu sa sút có thể khiến các công ty sản xuất dầu đá phiến phá sản.
Một công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ mới đây đã tuyên bố phá sản khi doanh nghiệp này đối mặt với khoản nợ lên tới 4,2 tỷ USD do doanh thu giảm mạnh. Các nhà sản xuất khác cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự trong trung hạn. Một số dự án dầu mỏ và khí đốt có tổng trị giá lên tới 200 tỷ USD của các nhà sản xuất chủ chốt toàn cầu có thể sẽ bị hủy hoặc bị ngừng.
Giữa lúc giá dầu ngày càng sa sút trên thị trường thế giới, Bộ Năng lượng Nga mới đây đã thông báo nước này sẽ cắt giảm sản lượng nếu giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng. Nga xếp ở vị trí thứ hai về xuất khẩu dầu với hơn 4,6 triệu thùng/ngày (trong tổng sản lượng 10,2 triệu thùng/ngày). Chuyên gia Asoomi nhận định trong trung hạn và dài hạn, giá dầu sẽ phục hồi khi kinh tế toàn cầu vượt qua được sự suy giảm hiện nay, nhờ đó nhu cầu dầu mỏ được đẩy lên.
Một số chuyên gia khác ở Bắc Phi-Trung Đông cho rằng các nước xuất khẩu dầu mỏ hiện vẫn tiếp tục tăng sản lượng nhằm duy trì thị phần, khiến cung vượt quá cầu tới 2 triệu thùng/ngày.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tổng sản lượng dầu toàn cầu hiện ở mức 95,66 triệu thùng/ngày, trong khi mức tiêu thụ chỉ vào khoảng 93,62 triệu thùng/ngày.
Khoảng cách này sẽ nới rộng hơn khi dầu mỏ của Iran bắt đầu tràn ngập thị trường thế giới sau khi các lệnh trừng phạt đối với Tehran được bãi bỏ. Ông Medhat Youssef, Phó Chủ tịch Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Ai Cập, dự báo trong bối cảnh như vậy, giá dầu sẽ tụt xuống 40 USD/thùng vào cuối năm nay.
Saudi Arabia hiện chiếm hơn 10% tổng sản lượng dầu của thế giới nhưng mới đây Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali Al-Naimi cho biết để củng cố ngân sách, nước này sẽ không thể cắt giảm sản lượng, bất chấp giá dầu tiếp tục bấp bệnh. Saudi Arabia hiện sản xuất khoảng 9,713 triệu thùng/ngày, trong đó xuất khẩu gần 7,2 triệu thùng/ngày, mức lớn nhất thế giới.
Dù đang bị cấm vận, Iran vẫn đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu dầu mỏ với hơn 1,1 triệu thùng/ngày. Nước này dự kiến sẽ tăng mức xuất khẩu thêm 1 triệu thùng/ngày (trong tổng sản lượng hơn 3,1 triệu thùng/ngày) ngay sau các lệnh tràng phạt được bãi bỏ.
Ngân hàng Thế giới dự đoán Iran sẽ bơm ra thị trường thế giới 1 triệu thùng/ngày, động thái có thể khiến giá dầu mất thêm 10 USD/thùng trong năm 2016.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ