Trong “bức tranh” tổng thể của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2018, BSR chính là mảng sáng và là một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất ở các chỉ tiêu doanh thu, nộp ngân sách và lợi nhuận.
Vượt chỉ tiêu
17h30 ngày 23/11/2018, Công ty BSR đạt kế hoạch sản lượng – về đích trước 38 ngày so với kế hoạch năm 2018 được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao nhiệm vụ. Tính cả năm, BSR sản xuất đạt hơn 7 triệu tấn, tổng doanh thu 113.493 tỷ đồng (tăng 45,3% so kế hoạch năm 2018; nộp Ngân sách Nhà nước 11.645 tỷ đồng (tăng 39,7% so kế hoạch năm 2018); lợi nhuận đạt 3.551 tỷ đồng (tăng 2% so với kế hoạch 2018).
Để Công ty BSR tạo giá trị sản lượng, doanh thu và lợi nhuận trên, năm qua, NMLD Dung Quất luôn được vận hành liên tục, ổn định ở công suất trung bình 105% công suất thiết kế. Công ty luôn triển khai các giải pháp năng lượng và công nghệ; áp dụng các giải pháp NCKH để tiết giảm chi phí, năng cao hiệu quả sản xuất của Nhà máy. Đặc biệt trong công tác an toàn, NMLD Dung Quất đã đạt mốc 19,5 triệu giờ công an toàn – một kỷ lục của ngành lọc hóa dầu thế giới.
Một trong những thành công nổi bật của BSR năm 2018 là IPO thành công. BSR là đơn vị khai mạc cho phiên IPO thành công đầu tiên của năm 2018 tại Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Có hơn 242 triệu cổ phiếu đã được bán cho các nhà đầu tư, tương đương gần 8% cổ phần BSR, thu về cho Nhà nước hơn 5.414 tỷ đồng. BSR chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào ngày 1-7-2018.
Lợi nhuận quý IV giảm do đâu?
Trong quý IV/2018, thị trường dầu thô thế giới biến động bất thường; giá dầu thô (Dated Brent) giảm từ 86,16 USD/thùng tại ngày 04/10/2018 xuống còn 50,21 USD/thùng tại ngày 28/12/2018 tương đương với giảm gần 36 USD/thùng (giảm 42%) và làm cho giá sản phẩm giảm theo, như giá xăng Mogas 92 từ 91,81 USD/thùng, còn 53,78 USD/thùng, giảm 38,03 USD/thùng. Sự biến động giá dầu thô này đều gây bất lợi cho tất cả các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới, kể cả những đơn vị kinh doanh, phân phối xăng dầu.
Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của Nhà máy lọc dầu, NMLD Dung Quất luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán, điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá cao hơn giá thị trường.
Bên cạnh đó, Công ty còn chịu tác động từ tháng 10/2018, trên thị trường dầu mỏ, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính (Crack margin) suy giảm nghiêm trọng, có những thời điểm giá xăng Mogas 92 thấp hơn cả giá dầu thô Dated Brent đã khiến cho hiệu quả SXKD của các tháng cuối năm của Công ty bị giảm sút mạnh, cụ thể lợi nhuận gộp (Doanh thu – Giá vốn hàng bán) quý 4/2018 lỗ 812 tỷ đồng (trong đó trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 310 tỷ đồng) đã làm cho lợi nhuận sau thuế quý 4/2018 lỗ 1.016 tỷ đồng trên Báo cáo tài chính riêng.
Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp làm cho lợi nhuận sau thuế lỗ 1.026 tỷ đồng trên Báo cáo tài chính hợp nhất.
BSR luôn chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh
Giải pháp “vượt bão”
Từ đầu năm 2018, để ứng phó với sự biến đổi khó lường của giá dầu suy giảm, BSR đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp mới linh hoạt kéo lại mặt bằng giá các sản phẩm phù hợp, thúc đẩy bán hàng, giảm hàng tồn kho dầu thô và sản phẩm đến mức tối ưu. Từ đầu năm đến nay Nhà máy luôn được vận hành an toàn, ổn định và được duy trì công suất vận hành tối ưu (105% công suất thiết kế), sản lượng sản xuất và tiêu thụ vượt 11% kế hoạch năm 2018.
Công ty BSR cũng tăng cường kiểm soát định mức tiêu hao. Nhà máy được vận hành an toàn, ổn định nên mức tiêu hao giảm còn 1,081 (kế hoạch là 1,090 tấn dầu thô/tấn sản phẩm) đã góp phần tích cực làm tăng lợi nhuận của Công ty.
Công tác tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí được tăng cường. Năm 2018, giá trị tiết kiệm thực hiện cập nhật đạt 856,55 tỷ đồng (vượt 77,47% so với kế hoạch tiết kiệm cả năm), trong đó nổi bật là: Triển khai các giải pháp tối ưu hóa năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng tại NMLD Dung Quất theo Đề án của Bộ Công Thương. Nổi bật là tối ưu hóa năng lượng. Chỉ số tiêu thụ năng lượng nội bộ giảm đáng kể xuống còn 7,04%; đồng thời lượng FO làm nhiên liệu tại nhà máy giảm 1.700 tấn/tháng (tương đương giảm 26%) so với năm 2017 đã giúp BSR tiết kiệm được khoảng 7 triệu USD /năm, việc giảm sản lượng tiêu thụ FO nhiên liệu đã tiết giảm 21 tỷ đồng tiền thuế môi trường cho Công ty.
Ngoài ra, trong năm 2018, BSR đã lên kế hoạch, phê duyệt 16 giải pháp và trong quá trình thực hiện đã bổ sung thêm 7 giải pháp tối ưu (tổng cộng 23 giải pháp). Đến nay đã thực hiện thành công 6 giải pháp đã giúp BSR tiết kiệm được khoảng 1,9 triệu USD/năm và 10 giải pháp đang triển khai theo đúng kế hoạch đề ra và sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2019.
Như vậy có thể nói, BSR không “ngủ quên” trong thắng lợi sản xuất kinh doanh sau năm 2017 mà còn tích cực hơn trong việc gia tăng và tối ưu hóa lợi nhuận 2018. Dù giá dầu giảm sâu và mạnh, “con tàu Lọc hóa dầu Bình Sơn” vẫn về đích với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt; xứng đáng là trụ cột mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Nguồn Enternews