Trang trại gà của anh Vương Xuân Hợi được xây dựng năm 2017, tại khu Gò Hón, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai có diện tích gần 3ha, với tổng mức đầu tư ban đầu gần 10 tỷ đồng. Trang trại gồm 3 khu chăn nuôi, khu 1 có diện tích khoảng 1.600m2, khu 2 rộng khoảng 2.300m2, khu 3 rộng khoảng 700m2. Trang trại có tổng đàn khoảng trên 1,4 vạn con, chuyên cung cấp gà giống Lương Phượng và trứng gà.
Trang trại nằm xa khu dân cư, được thiết kế theo tiêu chuẩn, mái được lợp bằng tôn nhật, dàn mát cao 2,7m, tạo không khí thoáng mát; cùng với đó trang trang trại sử dụng men vi sinh xử lý phân gà nên môi trường trong trại gà sạch sẽ, hạn chế tối đa mùi phân, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại ổn định, là địa chỉ cung cấp gà giống và trứng uy tín trên thị trường.
Bước sang quý II/2023 đến nay, giá gà, trứng cũng như giá gia cầm trong nước lao dốc. Nhiều hộ, trang trại kinh doanh gà trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có hộ “buông”, bị vỡ nợ. Đơn cử như các hộ chăn nuôi gà tại xã Tiến Thành và Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã phải “gánh” lỗ nhiều tháng, đến nay “hết lực” đành buông bỏ, không ít hộ lâm vào cảnh nợ nần, vỡ nợ.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, chưa bao giờ ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn như hiện nay. Trung bình mỗi kg gia cầm (chủ yếu là gà công nghiệp), người chăn nuôi lỗ 6.000 - 8.000 đồng. Ví dụ gà ta, gà ta lai (nuôi công nghiệp) từ năm 2022 cho đến nay, giá thành sản xuất khoảng 58.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ được 50.000 - 52.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu khủng hoảng đã gây ảnh hưởng đến tổng cầu của ngành chăn nuôi ngay tại thị trường nội địa.
Ngoài diện tích chăn nuôi, anh Vương Xuân Hợi còn bố trí diện tích mặt nước nuôi cá khoảng gần 1ha. Trang trại trồng các loại cây ăn quả, rau màu, tạo không gian xanh cho trang trại
Các nguyên nhân dẫn tới giá gà, trứng (gia cầm) lao dốc được chỉ ra do giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đó, giá bán sản phẩm giảm sâu khiến cho người chăn nuôi càng làm càng lỗ,...
Trước thực trạng nêu trên, ngành Nông nghiệp cũng như các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính bức thiết. Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) cho rằng: Một giải pháp có thể làm được trước mắt chính là tăng cường phối hợp, hợp tác, liên kết sản xuất nội khối: Người sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến, phân phối, lưu thông... hợp tác với nhau dưới sự chỉ đạo của hiệp hội, thông qua đó có thể giảm ít nhất 10% giá thành đầu vào, giải quyết yếu tố đầu ra.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, Chính phủ nên xem xét tiếp tục giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trong vòng 2-3 năm tới để họ có thể gượng dậy, có vốn phục hồi sản xuất. Giải pháp nữa rất quan trọng chính là việc chuẩn hóa lại số liệu thống kê. Bởi số liệu thống kê trong chăn nuôi gia cầm hiện nay dường như chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Việc thiếu số liệu thống kê chính xác gây ra hệ lụy là chúng ta không có căn cứ đáng tin cậy để hoạch định chính sách cho phát triển ngành hàng này. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, do giá thành thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao nên rất nhiều doanh nghiệp muốn cạnh tranh đã phải giảm giá bán thức ăn chăn nuôi bằng cách giảm chất lượng. Thêm vào đó, tình trạng loạn sản xuất giống, người người, nhà nhà làm giống càng khiến việc kiểm soát chất lượng giống khó khăn hơn, gây rủi ro cho người chăn nuôi.
Mặc dù đang bị lỗ khoảng gần 20 triệu/ngày, nhưng trang trại vẫn đang hoạt động chuẩn chỉ, chờ cơ hội thị trường phục hồi
Trao đổi về vấn đề này, anh Vương Xuân Hợi chia sẻ: Trong vòng 2 tháng qua, trung bình mỗi ngày trang trại của chúng tôi lỗ khoảng gần 20 triệu/ngày. Tôi thấu hiểu và chia sẻ với các hộ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong chăn nuôi giai đoạn này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thị trường có quy luật lên xuống, trong lúc khó khăn này chúng ta cần chủ động tổ chức lại sản xuất, duy trì chất lượng hàng hóa, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để chuẩn bị tốt nhất đón thời cơ khi thị trường phục hồi; đặc biệt càng khó khăn, càng phải làm tốt. Tôi tin rằng, chỉ trong thời gian ngắn tới đây, thị trường gà nói riêng, gia cầm nói chung sẽ phục hồi trở lại, người chăn nuôi sẽ lại có cơ hội làm giàu.
Nhiều năm trở lại đây, câu chuyện giá gà “lao dốc” làm người nông dân điêu đừng là câu chuyện không còn hiếm gặp. Rõ ràng, để giải quyết những khó khăn mà người chăn nuôi đang gặp phải cần có sự quan tâm của Nhà nước. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần phải chủ động sản xuất, chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ, chủ động đánh giá thị trường để đầu tư hợp lý, hạn chế rủi ro, đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, quy luật của thị trường là có xuống thì có lên, người chăn nuôi cần vững tin và chuẩn bị tốt nhất để nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi trở lại.
MN