Chủ Nhật, 24/11/2024 03:03:07 GMT+7
Lượt xem: 1008

Tin đăng lúc 08-07-2021

Gia Lai: Đề án khuyến công tạo đòn bẩy phát triển công nghiệp nông thôn

Trong những năm qua, việc triển khai hiệu quả các đề án khuyến công ở Gia Lai đã tạo ra một hiệu ứng tích cực. Các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có thêm tự tin để tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Hoạt động khuyến công cũng tạo ra động lực quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thông qua đó đã thu hút được nhiều nguồn lực khác đầu tư vào CNNT.
Gia Lai: Đề án khuyến công tạo đòn bẩy phát triển công nghiệp nông thôn
Các sản phẩm CNNT Gia Lai ngày càng được nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã, đa dạng sản phẩm, thúc đẩy sự thay đổi của CNNT tỉnh

Trong 5 năm (2016 - 2020), tổng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 36 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đạt hơn 9,3 tỷ đồng; kinh phí khuyến công địa phương là 744 triệu đồng; kinh phí của các cơ sở sản xuất CNNT là 26 tỷ đồng. Các nguồn kinh phí này đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 3 đơn vị thụ hưởng và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 14 đề án với 20 đơn vị thụ hưởng. Đồng thời, Gia Lai cũng đầu tư hơn 7,4 tỷ đồng để tổ chức các hội chợ triển lãm, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và biên giới, kết nối cung cầu và giới thiệu quảng bá sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

 

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, Gia Lai) có thể coi là một đơn vị thụ hưởng lợi ích từ các chương trình khuyến công điển hình như vậy. Ngoài xuất khẩu chanh dây, HTX còn chế biến các sản phẩm tinh cốt chanh dây cô đặc, mứt chanh dây… Năm 2020, HTX được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) hỗ trợ 300 triệu đồng để mua hệ thống máy sấy nông sản và kho trữ mát. Để sở hữu thiết bị này, ngoài nguồn hỗ trợ, HTX đã đầu tư thêm 300 triệu đồng.

 

Việc đưa dây chuyền máy móc này vào quy trình sản xuất đã mang lại hiệu quả rất lớn. Nếu HTX chưa kịp tiêu thụ thì hàng thu mua sẽ được trữ vào kho trữ mát, chất lượng được đảm bảo, nên vấn đề thu mua sản phẩm chanh dây cho người dân cũng sẽ liên tục và không bị gián đoạn. Còn máy sấy nông sản đã giúp HTX chế biến mứt từ vỏ chanh dây sấy dẻo với công suất có thể lên đến 300 kg vỏ/ngày, trong khi trước đây làm thủ công chỉ khoảng 20 kg/ngày.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Thu, Giám đốc Trung tâm KC&XTTM cho biết: “Hàng năm, nguồn kinh phí khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tạo bước đệm mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”.

 

Trong thời gian tới, Trung tâm KC&XTTM Gia Lai sẽ tiếp tục xây dựng nguồn kinh phí theo mức hỗ trợ được quy định nhằm tạo động lực thu hút đối tượng thụ hưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án khuyến công, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và sử dụng kinh phí đúng mục đích.

 

Ngành Công Thương Gia Lai cũng đã tổ chức 3 lần bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Qua đó, có 72 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 17 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp khu vực; 3 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp quốc gia.

 

 

 

 

 

 

Phương Minh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang