Thứ Sáu, 22/11/2024 06:30:54 GMT+7
Lượt xem: 3336

Tin đăng lúc 13-08-2016

Gia Lai đưa nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn

Thực hiện chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia 2016, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã tích cực tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, giúp bà con có điều kiện tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng và giá cả hợp lý.
Gia Lai đưa nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn
Nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn

Chỉ trong tháng 5, Trung tâm đã liên tục phối hợp với UBND các huyện Đăk Đoa, K’Bang và Ia Pa tổ chức 3 phiên chợ “hàng Việt về nông thôn” lần lượt tại Nhà văn hóa xã Ia Băng, huyện Đak Đoa (từ ngày 12/5 – 14/5), Sân vận động thị trấn K’Bang, huyện K’Bang (từ ngày 19/5 – 21/5) và tại xã Chư Răng, huyện Ia Pa (từ ngày 27/5 – 29/5). Quy mô mỗi phiên chợ gồm khoảng 30 gian hàng đến từ 17 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các phiên chợ đều được diễn ra với nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc, chương trình khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn, đặc biệt lại được tổ chức vào những ngày cuối tuần nên thu hút đông đảo người dân địa phương đến tham quan và mua sắm. Sản phẩm được bày bán tại phiên chợ đa dạng và phong phú bao gồm các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, đường, dầu ăn, nước mắm, nước giải khát, quần áo thời trang trẻ em và người lớn, bếp gas, giày dép, hóa mỹ phẩm, các dịch vụ viễn thông,.. được sản xuất tại Việt Nam; Các mặt hàng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp như máy công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân bón, giống cây trồng.

 

Gia Lai là một tỉnh miền núi nghèo, đời sống người dân vô vàn khó khăn, thiếu thốn, nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng nhiều, song nguồn cung chưa được đáp ứng đầy đủ do có ít đại lý, cửa hàng phân phối cung cấp, người dân thường phải đi một đoạn đường xa, đến những cửa hàng lớn thì mới mua được. Việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai có ý nghĩa rất lớn, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình tới người tiêu dùng, tiếp cận với thị trường nông thôn, miền núi rộng lớn, qua đó nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của bà con nông dân, có chiến lược hợp lý để mở rộng thị trường, cải tiến mẫu mã, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân vùng nông thôn, miền núi sâu xa. Thông qua phiên chợ, nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường, phát triển đại lý, mở rộng hợp tác sản xuất, kinh doanh. Đối với người dân nông thôn và miền núi, đây cũng đồng thời là cơ hội để họ mua sắm được hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý…

 

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai, việc triển khai các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và miền núi đã có tác động sâu sắc đến tâm lý người tiêu dùng, nhận thức của người dân về các sản phẩm chất lượng hàng Việt Nam đã được tăng lên, các phiên chợ thu hút ngày càng nhiều hơn doanh nghiệp và người dân tham gia, nhờ đó từng bước khẳng định vị thế của hàng Việt, đẩy lùi tình trạng làm giả, hàng nhái đang diễn biến phức tạp trên thị trường, góp phần đóng góp vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Trong thời gian tới, để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được triển khai sâu rộng hơn nữa tới mọi người dân trên toàn tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Đức Cơ và TP. Pleiku.

 

Lý Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang