Cái khó trong vấn đề tìm kiếm nguồn nhân lực
Công ty TNHH Dụng cụ An Mi là doanh nghiệp chuyên sản xuất dụng cụ chính xác cao và chi tiết cơ khí phục vụ cho các DN sản xuất ô tô, xe máy, hàng không và khuôn mẫu. Hơn một năm nay, dù DN đã liên tục tuyển dụng các vị trí với mỗi đợt từ 30-50 nhân sự. Tuy nhiên, trình độ lực lượng lao động ở địa phương chưa đáp ứng được nhiều, gây khó khăn cho tuyển dụng.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc điều hành Công ty cho biết, Công ty rất mong muốn được hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo, nhiều trường nghề. Với công tác tuyển dụng khó, vị trí thiếu nhất hiện nay của DN này chính là nhân viên kỹ thuật trong lĩnh vực gia công cắt gọt, quản trị nhân sự, điện tử và tự động hoá... Trong quá trình tuyển dụng hàng năm, chỉ có khoảng 30 - 40% người lao động là đạt yêu cầu ngay, sau đó DN rất mất thời gian đào tạo lại.
Là một trong những DN trong lĩnh vực sản xuất kết cấu thép công nghệ cao phục vụ các ngành xây dựng, công nghiệp trọng điểm, ngay từ đầu năm Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng đã đăng thông tin tuyển dụng gấp khoảng 300 lao động. Theo đại diện Công ty, ngành Cơ khí có nhu cầu lao động lớn, nhưng các trường nghề đào tạo không nhiều và số lượng sinh viên ra trường trong ngành này hằng năm cũng khá ít. Không chỉ thiếu lao động, mà một số DN trong ngành CNHT còn phải lo về chất lượng lao động.
Tương tự, là DN sản xuất trong lĩnh vực khá đặc thù là thiết bị điện và máy biến áp, Công ty Thiết bị điện MBT (có trụ sở tại xã Đồng Tháp, Huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội) cũng mong muốn nhận được nguồn lao động chất lượng cao hơn để phục vụ cho việc sản xuất.
Học viên ngày càng “chuộng” học các ngành công nghiệp
Thời gian qua, đã có nhiều DN FDI đã đầu tư vào ngành CNHT của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Cùng với đó là nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chất lượng cao với chuyên môn giỏi, tay nghề vững, kỹ năng chuyên nghiệp. Tỷ lệ học sinh lựa chọn trường nghề với các khối ngành công nghiệp đang có xu hướng tăng dần theo từng năm.
Tất cả các Trường trung cấp thuộc Sở, đặc biệt là các Trường với ngành/nghề chủ đạo thuộc nhóm ngành Kỹ thuật đã luôn khẳng định được thương hiệu và niềm tin từ phía người học bởi chất lượng đào tạo nghề cùng với công tác giải quyết việc làm. TP. Hà Nội luôn quan tâm đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh hợp tác với DN để huy động nguồn lực xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất, ttrang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cho đào tạo nghề.
Hiện các trường có các ngành học liên quan đến công nghiệp như Trường Trung cấp Nghề Cơ khí I Hà Nội, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Cao đẳng Điện tử, Điện lạnh Hà Nội... đang thu hút được đông học sinh đăng ký. Sở dĩ những trường này được nhiều học sinh lựa chọn do đào tạo những ngành/nghề kỹ thuật “hot”, nhiều DN đang có nhu cầu tuyển dụng, ra trường sẽ có việc làm ngay với mức lương khá cao.
Hà Nội sẽ song hành cùng các doanh nghiệp CNHT nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Các chuyên gia cho rằng, để nguồn nhân lực cho CNHT phát triển, cần thiết phải có những quy chuẩn kỹ thuật về kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn chung quốc tế, chú trọng phương thức đào tạo, hệ thống chứng chỉ để sẵn sàng thực hiện trao đổi lao động khu vực và quốc tế. Cần có các kế hoạch đào tạo nguồn lực bài bản, có lộ trình và những chế độ đãi ngộ phù hợp. Với những định hướng đó, Hiệp hội DN CNHT Hà Nội (HANSIBA) đã kết nối với các trường để có giải pháp đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho ngành CNHT. Các ngành đào tạo nổi bật được hướng tới như: Cơ điện tử; cơ khí chế tạo; công nghệ hàn; chế tạo thiết bị cơ khí; chế tạo khuôn mẫu; vẽ và thiết kế cơ khí; sửa chữa, bảo dưỡng máy công nghệ cao; công nghệ ô tô; điện công nghiệp...
Đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn
Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho CNHT, thời gian qua Công ty CP Xây lắp và Bảo dưỡng cơ điện VNK (quận Đống Đa, Hà Nội) không dừng lại ở lĩnh vực thi công hệ thống điện cho các công trình, còn mở thêm Trung tâm Tư vấn đào tạo và Hỗ trợ việc làm VNK để đào tạo nhận lực trong lĩnh vực cơ điện. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo được hơn 10.000 kỹ sư, cử nhân cho nhiều DN CNHT trên địa bàn.
Ông Ninh Việt Tú, Giám đốc VNK cho biết, niềm đam mê lớn nhất của ông là được đào tạo và phát triển năng lực bản thân cho người lao động. Ông Tú bày tỏ nguyện vọng được đào tạo nhân lực miễn phí cho các DN CNHT, từ đó góp phần đưa CNHT của Thủ đô và đất nước cùng lớn mạnh.
Theo ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA), nguồn nhân lực còn thiếu và chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Thời gian qua, Hiệp hội đã và đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các DN CNHT.
Hiệp hội coi đây là sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa nhà trường với các DN, là hướng đi ngắn nhất trong việc đáp ứng cung - cầu về nguồn nhân lực cho CNHT trước mắt cũng như lâu dài. Việc làm này vừa giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các DN; mặt khác, sinh viên các trường có cơ hội tiếp cận với các kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.
Yên Bắc