Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Đối với người dân, việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều nhận nhau là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người Việt Nam, một hình thức truyền khẩu cho truyền thống thờ cúng để mỗi người dân đất Việt từ bao đời nay coi ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng này đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của Tổ tiên để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết. “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là câu dặn dò bất hủ của Bác Hồ trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân tiên phong), tại Đền Giếng thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ. Lời dặn dò ấy Bác cất lên từ Đền Hùng trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, âm vang trong tâm hồn mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ.
Ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3 cũng là dịp để chúng ta, những con dân đất Việt thêm một lần lắng đọng tâm hồn, hun đúc tình cảm và ý chí, suy nghĩ về tương lai của đất nước, về trách nhiệm của người con nước Việt đối với mỗi bước đường phát triển của đất nước, của dân tộc. Cũng vì lẽ đó, Lễ hội đền Hùng ngày càng thu hút đông đảo nhân dân, đặc biệt là người trẻ, kiều bào trên thế giới hành hương hoặc thành tâm hướng về Đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên để sâu thẳm trong tâm khảm nhân lên lòng tự hào rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc có nguồn cội, có lịch sử văn hóa từ lâu đời. Trong lòng người dân Việt Nam, đặc biệt với những người con xa xứ thì đền Hùng trở thành niềm thương, nỗi nhớ da diết của triệu triệu trái tim người dân đất Việt. Nhiều bạn trẻ cho rằng cuộc sống ngày càng phát triển với nhiều tiện nghi, những người trẻ cần cần có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vốn có từ nhiều đời trước được truyền lại cho đến hiện tại. Họ cũng muốn nhân dịp Giô Tổ hành hương về đền Hùng dâng lễ, xem hoạt động văn hóa truyền thống tại nơi đây. Việc này không chỉ giúp các bạn hiểu hơn về lịch sử mà khiến họ cảm nhận rõ ràng nhất về các giá trị cội nguồn dân tộc Việt.
Trong dòng người hành hương về Đất Tổ, khuôn mặt ai cũng hiện rõ cảm xúc sâu lắng và niềm tự hào về cội nguồn, về dân tộc. Họ cảm nhận được sợi dây liên kết của tình đồng bào, thêm tự hào về nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi vậy mà ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 có nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá đậm nét các di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là hai Di sản Văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và "Hát Xoan Phú Thọ” để người dân hiểu thêm về các giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ. Đặc biệt, trong những ngày diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm 2023, tỉnh tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức…
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với hàng triệu lượt đồng bào và du khách tham dự, là minh chứng cho sự hội tụ sâu sắc của nghĩa “đồng bào” đối với mỗi người Việt Nam. Đây cũng là dịp để gia đình nhắc nhở, giáo dục con cháu về lòng biết ơn với tổ tiên, dòng họ, hình thành nên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc./.
Theo Vov.vn