Thứ Tư, 18/09/2024 15:06:37 GMT+7
Lượt xem: 1176

Tin đăng lúc 09-01-2021

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Một trong những dấu ấn của hoạt động Chính phủ - Chính phủ kiến tạo và hành động - nhiệm kỳ 2016 - 2020 là quyết liệt gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Thế nhưng vẫn còn những chính sách, những quyết định cụ thể gây khó cho doanh nghiệp ngay ở thời kỳ họ đang cần được nâng đỡ nhất.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Một góc Bến thuyền du lịch Marina Vũng Tàu.

Không nên gây khó cho doanh nghiệp

 

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của thế giới âm 4%, được ví như “thoái trào” kể từ cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933. Trong cơn bĩ cực, Việt Nam là điểm sáng kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, kinh tế nước ta là một trong những quốc gia hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng dương, đạt 2,91 %; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục, hơn 540 tỷ USD; dự trữ ngoại hối tăng cao; năng suất lao động tăng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, trở thành nền kinh tế lớn thư 4 trong cộng đồng 10 quốc gia ASEAN. Kinh tế - xã hội năm 2020 phát triển hơn năm 2019, là năm khá nhất trong 5 năm 2016 - 2020. Thành tựu kinh tế - xã hội rất đáng tự hào của đất nước ta trong năm 2020 có sự đóng góp tích cực, to lớn của toàn dân, của cả hệ thống chính trị với vai trò nổi bật của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân.

 

Trong nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp cũng như tại cuộc Hội nghị cuối năm 2020 với lãnh đạo các bộ ngành, 63 địa phương cả nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trách nhiệm của Chính phủ và chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc cản trở bước tiến của doanh nghiệp. Thủ tướng bày tỏ sự quyết liệt: Gây khó cho doanh nghiệp với bất cứ lý do và nguyên nhân nào đều không tốt, đi ngược lại khát vọng làm giàu, xây dựng Việt Nam thành quốc gia phát triển. Đáng tiếc, đây đó - chỗ này chỗ kia, các cấp quản lý vẫn có không ít biểu hiện gây khó cho doanh nghiệp. Họ không chia sẻ, thậm chí vô cảm, gây khó đủ chuyện trước những khó khăn không hề nhỏ mà doanh nghiệp (nhất là với doanh nghiệp tư nhân, thế chấp nhà cửa vay vốn để đầu tư dự án) phải đối mặt, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

 

Nguyên nhân của tình trạng này, như Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc từng nói, do trình độ năng lực cán bộ quản lý yếu kém, do né tránh trách nhiệm để giữ ghế, do thủ tục hành chính nhiêu khê của bộ máy, không loại trừ do quyền lợi của nhóm lợi ích… Có những quyết định gây khó cho doanh nghiệp từ tầm vĩ mô, có những quyết định - hành xử bắt bí doanh nghiệp ở cấp độ địa phương.

 

Nhà nước khuyến khích phát triển sản xuất đi liền với giữ gìn, bảo vệ môi trường; khuyến khích sản xuất năng lượng điện mặt trời, điện gió, năng lượng tái tạo. Chính sách năng lượng quốc gia được ban hành thành Nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, bằng một thông báo thiếu tính toán dài hơi, đầu tư điện mặt trời thời điểm cuối năm 2020 bỗng “khựng” lại, khi mức giá ưu đãi đã hết hạn (!) vẫn chưa có bảng giá mua mới. Thế là doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực điện mặt trời lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Điều mà doanh nghiệp quan ngại chính là sự rủi ro - khoảng trống về chính sách, tính không nhất quán và ổn định môi trường đầu tư từ cơ quan quản lý.

 

Một quyết định đẩy doanh nghiệp vào thế bí

 

Trong hoạt động thực tiễn, có những quyết định của cơ quan quản lý thiếu cân nhắc đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Bến Thuyền Marina thuộc Công ty CP Vũng Tàu Marina được Ban Quản lý Các khu công nghiệp (CKCN) tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (BRVT) cấp chứng nhận đầu tư ngày 18/7/2012, theo đó Công ty được phép xây dựng Bến Thuyền du lịch (và các công trình phụ trợ khác) quy mô từ 70 đến 100 phương tiện neo đậu; sản xuất ca nô, tàu thuyền bằng công nghệ mới và thân thiện với môi trường; địa điểm thực hiện tại khu công nghiệp Đông Xuyên. Ngày 9/7/2013, Công ty được cơ quan quản lý chuyên ngành xác nhận là đơn vị đủ điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa. Các tour du lịch được sách cẩm nang du lịch BR-VT giới thiệu rộng rãi, trở thành sản phẩm du lịch mới lạ trên địa bàn, điểm đến hấp dẫn của du khách.

 

Sau nhiều năm hoạt động, Công ty CP Vũng Tàu Marina nhận được văn bản ngày 4/12/2020 của Ban Quản lý CKCN tỉnh BRVT yêu cầu tạm ngừng tất cả các hoạt động tại Bến Thuyền Marina, bao gồm hoạt động dịch vụ ăn uống, nhà hàng - giải khát, tour du lịch trên sông Dinh.

 

Ban quản lý CKCN lý giải họ ra quyết định theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ở đây có sự dẫn giải sai lệch ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh: “Tạm dừng các hoạt động chưa được cấp phép hoặc không phù hợp với các quy định trong CKCN” chứ không phải ngừng tất cả mọi hoạt động đang diễn ra tại Dự án Bến Thuyền, đẩy doanh nghiệp và gần 100 người lao động vào đường cùng. Doanh nghiệp CP Vũng Tàu Marina (doanh nghiệp khoa học và công nghệ vốn được Nhà nước cho nhiều ưu đãi) tự huy động vốn xây dựng dự án, góp phần làm “đẹp” du lịch biển phương Nam, vào lúc khó khăn, cố vực dậy giữa đại dịch COVID-19 thì quyết định này khác nào roi quất lên mình ngựa khi nó đang vất vả phi đường trường?

 

Ngày 30/12/2020, xã hội hân hoan đón chào năm mới, Ban Quản lý CKCN tỉnh BRVT còn ban hành Quyết định kiểm tra đối với Dự án của Công ty CP Vũng Tàu Marina hoạt động tại khu công nghiệp Đông Xuyên, thời gian kiểm tra 15 ngày. Kỹ sư Vũ Văn Đảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina, chủ đầu tư dự án “Bến thuyền du lịch” cho biết: “Trong 9 năm, doanh nghiệp chịu đựng nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra - hàng trăm cuộc họp, giải trình. Tôi đã cầu cứu đến cấp lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Rồi đây, chưa biết doanh nghiệp còn sống hay phải chết?”.

 

Trong cuộc đua ra biển lớn, với sóng to và bão tố, doanh nghiệp có thể có đúng, có thể sai; nếu có sai thì cần xem xét động cơ của họ là gì, cơ quan quản lý sát cánh cùng họ để khắc phục bằng tinh thần cầu thị, xây dựng, sẻ chia. Và nếu có sai thì cái sai của họ có vi phạm pháp luật dẫn đến “chết người” phải “tạm đóng cửa”; sai đến mức cần ban hành một quyết định làm doanh nghiệp “chết đứng”? Tại sao, trong CKCN lại không được kinh doanh du lịch? Cách nhìn nhận như vậy, phải chăng là quá khe khắt, không đủ độ thông thoáng cần thiết, trái với thực tiễn hoạt động của nhiều KCN thế giới? Cần thấy rằng, họat động du lịch trong CKCN là cơ hội để du khách kết hợp tham quan cơ sở sản xuất - kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm - chỉ càng tốt hơn cho hoạt động của CKCN, giúp cho việc quảng bá - làm gia tăng giá trị sản phẩm.

 

Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ tỉnh BRVT Lê Văn Kháng khẳng định: “Doanh nghiệp luôn vươn tới, mở rộng và sáng tạo, cấu trúc lại chính mình khi mà nội lực và điều kiện cho phép nếu luật pháp không cấm. Công ty CP Vũng Tàu Marina cần được khuyến khích phát triển tạo thương hiệu sản phẩm mới cho du lịch BRVT, miễn là không gây ảnh hưởng tới môi trường KCN. Hoạt động du lịch bên cạnh hoạt động KCN là cần. KCN có đông du khách đến chứng tỏ KCN không khói bụi, không ô nhiễm, xanh - sạch - đẹp. Hoạt động du lịch trong KCN chính nó đã nâng cánh cho KCN, tại sao không?”.

 

Năm 2021 và nhiều năm tới, tin rằng năng lượng điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo tiếp tục được nâng cánh, từ những quyết sách đúng, kịp thời. Và sự kiện “tạm ngưng mọi hoạt động” của Bến Thuyền Marina Vũng Tàu cần sớm được sáng tỏ, có kết luận thỏa đáng? BRVT đã, đang và sẽ mãi mãi là địa phương lung linh tỏa sáng thương hiệu năng động - sáng tạo; là bến đợi, niềm tin và hạnh phúc của các doanh nghiệp để họ cùng cất cánh, bay cao góp phần làm giàu đẹp quê hương, đất nước.

 

Theo Kinhtedothi.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang