Cùng với việc chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội để Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN.
Nghị quyết này cũng là một cấu phần quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016 đã được Quốc hội thông qua; đó là, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Dự thảo Nghị quyết tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
Minh bạch hóa chi phí tính thuế TNDN
Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập DN (TNDN) quy định, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% sẽ chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, Luật chưa quy định nội dung này đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng đang áp dụng thuế suất 20% từ ngày 1/1/2014.
Theo đó, từ ngày 1/1/2016, tất cả DN thuộc mọi quy mô đều áp dụng chung thuế suất 20%, không còn sự cách biệt thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông 2% đối với DN có quy mô nhỏ như những năm qua.
Vì vậy, cần thiết phải có mức ưu đãi để các DN nhỏ có điều kiện tăng tích tụ, tích lũy tái đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết cho phép từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020, đối tượng DN có quy mô nhỏ chuyển sang áp dụng thuế suất thuế TNDN 17% . Mức thuế suất này là phù hợp và cũng không ảnh hưởng nhiều đến số thu ngân sách Nhà nước do số lượng DN nhỏ và vừa chiếm phần lớn trong nền kinh tế nhưng tỷ trọng đóng góp và ngân sách Nhà nước về thuế TNDN lại không lớn, song với DN thì lại rất quan trọng…
Cùng với việc nới rộng nhiều khoản chi phí thực tế phát sinh được đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, minh bạch hóa chi phí tính thuế cũng là hình thức gián tiếp giảm thuế TNDN và việc giảm tiếp thuế suất thuế TNDN sẽ thực sự tạo đà cho DN nhỏ phát triển.
Khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo
Để khuyến khích khởi nghiệp DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp sáng tạo, dựa trên kỹ thuật, công nghệ cao, tri thức khoa học, kinh doanh vào lĩnh vực mới, hiệu quả, nhưng đôi khi còn đòi hỏi đầu tư mạo hiểm, hình thức đầu tư mới, sản phảm mới… Nghị quyết đưa ra mức thuế suất ưu đãi với DN khởi nghiệp, để khuyến khích khởi nghiệp, thành lập DN mới. Theo quan điểm chúng tôi, nên nghiên cứu cho phép các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên DN tư nhân cũng được hưởng ưu đãi như khởi nghiệp DN, nhằm khuyến khích các DN thực hiện hạch toán kế toán, sử dụng hóa đơn chứng từ, khai, nộp thuế điện tử… nâng cao tính minh bạch trong hạch toán kết quả kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước, thay vì nộp thuế khoán như hiện hành.
Về thuế suất thuế TNDN ưu đãi, có thể nghiên cứu mức 15% để có sự khác biệt thuế suất so với DN nhỏ và vừa, nhằm khuyến khích khởi nghiệp.
Thời gian áp dụng mức thuế ưu đãi là 5 năm kể từ ngày khởi nghiệp. Vì nếu áp dụng như dự thảo Nghị quyết là kể từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020, thì các DN thành lập năm 2017 sẽ được 4 năm; nhưng nếu thành lập các năm sau thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi sẽ giảm đi tương ứng, như vậy sẽ không công bằng và thiếu khuyến khích khởi nghiệp.
Đối với tiêu chí xác định DN khởi nghiệp, theo chúng tôi, cho áp dụng tất cả loại hình kinh doanh, kể cả chuyển từ hộ kinh doanh cá thể sang DN, trừ một số lĩnh vực như dự thảo đã nêu và liệt kê.
Mở rộng ưu đãi thuế thêm đối với dịch vụ phần mềm
Đối với dịch vụ gia công phần mềm, thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới cung cấp dịch vụ gia công phần mềm được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thống nhất phương án, áp dụng từ ngày 1/1/2017 nhưng không phải đến năm 2020 mà cho đến khi nhà nước có chính sách mới về thuế TNDN đối với dịch vụ này.
Việc mở rộng ưu đãi này phù hợp với Nghị quyết số 41/NQ-CP: “Bổ sung thu nhập của DN từ thực hiện các dự án: sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin được ưu đãi thuế TNDN như mức đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật Thuế TNDN”.
Ưu đãi thuế đối với các dự án cải tạo chung cư cũ
Đối với DN thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách để thúc đẩy việc cải tạo các chung cư cũ, nhưng kết quả đạt được còn nhiều hạn chế so với mục tiêu đề ra.
Việc không đạt được mục tiêu đề ra xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như, các khối chung cư thường đặt vị trí trung tâm thành phố, do đó phương án cải tạo bị hạn chế, không cho phép đầu tư cao tầng, nên chủ đầu tư thấy không có hiệu quả; năng lực chủ đầu tư yếu nên không bảo đảm tiến độ đề ra; chính sách hỗ trợ về tài chính tín dụng, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế chưa được triển khai triệt để nên cũng khó thu hút nhà đầu tư. Vì vậy, cần có thêm ưu đãi về thuế TNDN.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020.
Về vấn đề này, chúng tôi đề nghị cân nhắc, có thể đưa vào Nghị quyết cho phép áp dụng mức thuế suất như mức thuế suất thuế TNDN như đối với thu nhập từ dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội, thuế suất thuế TNDN là 10%, không chỉ giới hạn đến năm 2020.
Cho phép bù trừ lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản
Trước ngày 1/1/2014, Luật Thuế TNDN không cho phép bù trừ lỗ, lãi từ thu nhập chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác của DN. Từ 1/1/2014 do thị trường bất động sản đóng băng, thua lỗ; Luật thuế TNDN sửa đổi bổ sung số 32/2013/QH 12 đã cho phép bù trừ lỗ của chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh củaDN. Tuy nhiên Luật chỉ xử lý một chiều, tức là chỉ cho phép bù lỗ còn nếu hoạt động chuyển nhượng bất động sản có lãi nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản và kinh doanh khác của DN lỗ thì lại không được bù trừ … điều đó gây bất cập cho DN.
Do vậy, việc đưa nội dung này vào Nghị quyết Quốc hội lần này, tuy có muộn nhưng sẽ mang lại sự bình đẳng, chủ động trong kinh doanh của DN và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ cao
Về việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao.
Luật Thuế TNCN chưa có quy định về giảm thuế TNCN cho người lao động làm việc tại các lĩnh vực cần khuyến khích, thu hút nhân lực như, làm việc ở khu kinh tế, làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao... Tuy nhiên, căn cứ Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 128/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 hướng dẫn việc giảm 50% thuế TNCN đối với cá nhân làm việc tại khu kinh tế.
Để nâng cao sức cạnh tranh của DN công nghệ thông tin, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển công nghệ thông tin theo các mục tiêu đã đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần thiết phải có thêm các chính sách ưu đãi thuế TNCN nhằm thúc đẩy hơn nữa ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Do vậy, việc đề xuất cho giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin là hoàn toàn phù hợp.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất áp dụng giảm 50% từ năm 2017 đến năm 2020; để thống nhất mức ưu đãi như cá nhân làm việc ở khu kinh tế, đề nghị nên điều chỉnh lại, áp dụng việc giảm thuế 50% từ ngày 1/1/2017 cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới, phù hợp với Nghị quyết số 41/NQ-CP.
Giải pháp xử lý nợ thuế
Giải pháp xóa nợ là cần thiết và xử lý được hai mục đích, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện tiếp tục hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh và phản ánh đúng số thuế nợ đọng thực tế có khả năng thu hồi.
Thống nhất với nguyên tắc xóa nợ, khoanh nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt. Riêng về thời điểm, nên rà soát, xem xét lại cả các khoản nợ tồn đọng trước ngày 1/1/2013 mà thực sự bất khả kháng, không thuộc nguyên nhân chủ quan để “làm sạch nợ thuế xấu đúng nghĩa”.
Về nội dung xóa nợ, trường hợp do nguyên nhân khách quan, nên hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết các nguyên nhân khách quan để xử lý đồng bộ.
Chú ý những trường hợp nợ thuế, các khoản tiền phải nộp ngân sách Nhà nước tương tự, được đưa vào đối tượng xóa thì các đơn vị đã nộp tiền thuế gốc, đương nhiên được miễn tiền phạt, tính chậm nộp nếu có để bảo đảm tính bình đẳng.
Trường hợp do không còn khả năng thu hồi, quy định thẩm quyền xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với người nộp thuế là DN đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh nêu trên cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xóa nợ, khoanh nợ… Tuy nhiên, có thể đưa thêm yếu tố kiểm soát của Tổng cục Thuế như đã áp dụng với hoàn thuế GTGT: trước khi trình hồ sơ để UBND ra quyết định cơ quan thuế gửi thư điện tử về Tổng cục Thuế, Tổng cục trả lời trong thời gian không quá 6 giờ.
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, nhất trí với đề xuất dự thảo là xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh và khoanh nợ tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh.
Tuy nhiên cũng như với DN, về thời điểm, nên rà soát, xem xét lại cả các khoản nợ tồn đọng trước ngày 1/1/2014 mà đến thời điểm này vì lý do nào đó vẫn còn chưa xử lý thì trình xử lý dứt điểm luôn; và thẩm quyền đề xuất là do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xóa nợ, khoanh nợ.
Nguồn Chinhphu