Tôi đã nghe nhiều về Gốm Chu Đậu, cũng đã từng được chiêm ngưỡng các sản phẩm tuyệt đẹp của thương hiệu này nhưng mãi vừa rồi tôi mới có dịp cùng đoàn phóng viên có chuyến thăm quan thực tế tại Công ty CP Gốm Chu Đậu – nơi các nghệ nhân đang ngày đêm miệt mài sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm gốm làm say lòng biết bao người người yêu nghệ thuật gốm sứ gần xa.
Đón chúng tôi tại tiền sảnh, ông Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc Công ty không để khách phải chờ đợi lâu, ông mời mọi người vào thẳng gian trưng bày sản phẩm và say sưa giới thiệu cho các phóng viên về lịch sử “thăng trầm” của dòng gốm Chu Đậu cổ, ông cho biết: Làng Gốm Chu Đậu là một trong những cái nôi của nghề gốm Việt Nam, phát triển rực rỡ trong các triều đại nhà Lý, Trần, Lê, Mạc từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Gốm Chu Đậu nổi tiếng gần xa bởi nó không chỉ hội tụ tinh hoa của nghệ thuật gốm, mà còn thể hiện nét đặc sắc của nền văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, do chiến tranh loạn lạc, nên nghề gốm cổ đã bị thất truyền và qua nhiều thế kỷ, thương hiệu Gốm Chu Đậu dường như đã bị lãng quên.
Sản phẩm gốm dát vàng của Công ty CP Gốm Chu Đậu
Sau một thời gian dài tìm kiếm, khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được rất nhiều cổ vật gốm Chu Đậu và đến năm 2001, với mong muốn khôi phục lại dòng gốm cổ quý giá này, kết hợp với hoạt động du lịch làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động trong xã, khai thác tiềm năng nguyên liệu đặc biệt của địa phương để sản xuất ra các mặt hàng gốm sứ cao cấp mang nhãn hiệu Chu Đậu, Lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã có một quyết định mang tính đột phá đó là thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, nay là Công ty CP Gốm Chu Đậu, nằm trên địa bàn xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Có thể nói, để tìm lại được dòng gốm cổ đã thất truyền nhiều thế kỷ là cả một quá trình gian nan nhưng để bảo tồn và phát triển nghề gốm cổ quý giá này quả thật là một bài toán khó đặt ra cho Lãnh đạo Công ty, bởi bí quyết công nghệ không còn; đội ngũ công nhân chủ yếu là lao động địa phương không có tay nghề… Nhưng nhờ có sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt của Lãnh đạo Tổng công ty (TCT) và cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, Công ty đã mời được những nghệ nhân nổi tiếng về truyền nghề; đầu tư nghiên cứu các bài men cổ, xương cốt, kỹ thuật sản xuất; đồng thời gửi công nhân đi học tại các làng nghề... và ông trời không phụ lòng người, sau một thời gian nỗ lực, quyết tâm, vất vả tìm tòi, nghiên cứu của các nghệ nhân và toàn thể CBCNV, Công ty đã phục hồi được hàng nghìn mẫu mã gốm Chu Đậu cổ với nhiều kiểu dáng kích thước khác nhau, đồng thời cũng sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới. Ngày nay, gốm Chu Đậu đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của mọi tầng lớp người tiêu dùng bởi sự phong phú đa dạng về chủng loại sản phẩm nhưng không mất đi những nét đặc trưng rất riêng đã làm nên thương hiệu, đó là các sản phẩm đều được vẽ bằng tay, mỗi nét vẽ đều có sắc độ, có đậm, có nhạt, có sự linh hoạt, truyền cảm để thể hiện được hết cái hồn, cái tình của gốm Chu Đậu. Bên cạnh đó, với nguyên liệu đất đặc trưng cùng chất liệu “men tro” độc đáo, dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của những nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm có vẻ đẹp đến hoàn hảo mang thương hiệu Chu Đậu.
Các nghệ nhân đang thổi hồn vào từng nét vẽ
Tôi nhớ đã từng đọc được một câu nói rằng “để làm nên sự khác biệt của gốm Chu Đậu thì phải xuất phát từ chính những người con của làng nghề gốm Chu Đậu. Họ phải thật say nghề, đam mê với nghề thì mới thổi được cái tình, cái hồn đất Việt vào trong đất, trong men, trong từng nét vẽ của gốm Chu Đậu”. Quả thật, khi đi thăm các xưởng sản xuất của Công ty, tôi mới thấy ai nấy làm việc đều rất tập trung, họ chau chuốt từng khuôn hình, từng nét vẽ như đang “thổi hồn” mình vào từng sản phẩm vậy. Tiếp xúc với người lao động ở đây, tôi cảm nhận được sự tự hào của họ về dòng gốm cổ của quê hương nổi tiếng khắp thế giới và tự hào hơn khi chính họ là những người đang góp một phần vào việc bảo tồn và phát triển dòng gốm cổ quý giá này. Khi được hỏi về công việc của mình, chị Nguyễn Thị Miện – công nhân phân xưởng gốm gia dụng chia sẻ: “Em đã làm việc ở đây được hơn 10 năm rồi, khi mới vào em cũng rất lo bởi chưa có kinh nghiệm gì nhưng vì em rất yêu thích công việc này, cộng với việc được Công ty đào tạo nên giờ đây tay nghề của em đã được nâng cao rất nhiều. Công việc ở đây rất ổn định với mức thu nhập và các chế độ luôn được đảm bảo nên em rất yên tâm và mong muốn sẽ tiếp tục được làm việc lâu dài ở đây để góp phần vào việc bảo tồn và phát triển dòng gốm Chu Đậu nổi tiếng của quê hương”.
Tại gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Công ty, khi được hỏi tại sao lại chọn mua gốm Chu Đậu, chị Nguyễn Tuyết Nhung ở Hà Nội cho biết: “Qua bạn bè, tôi biết được các sản phẩm gốm Chu Đậu ở đây rất đẹp, nguyên liệu không có hóa chất nên rất an toàn cho sức khỏe và khi đến đây, được nghe giới thiệu về lịch sử của dòng gốm cổ này tôi thấy rất tự hào vì Việt Nam chúng ta có một thương hiệu gốm nổi tiếng thế giới như vậy thì không có lý do gì tôi lại không sắm cho gia đình mình những sản phẩm đẳng cấp này”. Còn chị Natalia Cruz – khách du lịch Tây Ban Nha thì cho biết: “Tôi đã được thấy sản phẩm gốm Chu Đậu của Việt Nam tại một Viện bảo tàng, tôi rất ấn tượng bởi vẻ đẹp của nó, từ hình dáng, chất men, màu sắc đến hoa văn đều rất có hồn và rất cuốn hút. Khi sang du lịch Việt Nam tôi đã chọn tour đến thăm Làng nghề gốm Chu Đậu để tìm hiểu cũng như mua những sản phẩm tuyệt đẹp này về làm quà cho gia đình và bạn bè”.
Các sản phẩm tại gian trưng bày của Công ty
Để đẩy mạnh phát triển thương hiệu và cũng để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến sự phục hồi của gốm Chu Đậu, có cơ hội sở hữu các sản phẩm gốm nổi tiếng này, Công ty đã rất chú trọng công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm, thương hiệu, tích cực tham gia vào các lễ hội, hội chợ, triển lãm do Trung ương và địa phương tổ chức, nhất là các chương trình hội chợ, chợ Tết, đưa hàng Việt về nông thôn do Hapro tổ chức nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; cùng với đó, phối hợp với các Công ty lữ hành mở các tour du lịch đưa khách đến thăm làng nghề gốm Chu Đậu;... Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng sản xuất kinh doanh của Công ty luôn đạt từ 15 – 20%/năm, thu nhập người lao động được nâng cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và đặc biệt là thương hiệu gốm Chu Đậu ngày càng có sức lan tỏa, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Kết quả này cũng chính là minh chứng sống động về quyết định đúng đắn của Lãnh đạo TCT Thương mại Hà Nội.
Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, gốm Chu Đậu cũng không nằm ngoài vòng xoáy phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại, nhưng với sự yêu mến của người tiêu dùng trong và ngoài nước, cùng với những nỗ lực không mệt mỏi nhằm bảo tồn, phát triển gốm Chu Đậu của tập thể Lãnh đạo, CBCNV Công ty CP gốm Chu Đậu, chắc chắn thương hiệu gốm Chu Đậu sẽ mãi trường tồn và là niềm tự hào của người dân Việt Nam./.
Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ. Bình tỳ bà mang dáng hình cây đàn tỳ bà đại diện cho tính âm, đất mẹ hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng hiền thục nết na. Bình hoa lam thể hiện cho tính dương là người chồng, là cha, là trụ cột là nền tảng. Nói về gốm Chu Đậu, cố đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ưu ái dành tặng cho 9 chữ vàng: “Gốm Chu Đậu – tinh hoa văn hóa Việt Nam”. |
Quỳnh Anh