Tham dự Hội nghị có đông đảo các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong ngành dây, cáp điện, các chuyên gia… đã có nhiều ý kiến thiết thực đóng góp vào Dự thảo Thông tư này.
Phần đông ý kiến nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập, chưa rõ ràng hoặc đã lỗi thời trong QCVN 4: 2009/BKHCN cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện nay. QCVN 4: 2009/BKHCN ra đời từ năm 2009, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tiêu dùng và quản lý đối với thiết bị điện và điện tử. Đa phần ý kiến cơ bản nhất trí với bản Dự thảo Thông tư. Nhưng cũng có nhiếu ý kiến đóng góp cụ thể, thiết thực và bổ ích. Đại diện Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) cho rằng: “Việc mở rộng phạm vi như theo Thông tư sẽ không thể kiểm soát, quản lý. Đề nghị vẫn theo một Bộ Quy chuẩn nền cho sản xuất như BN EN 50252 hoặc IEC 60227 và chỉ mở rộng cho một số chủng loại như dây đôi mềm 2 ruột song song không có vỏ bọc (VCmd), ghi rõ các mặt được cấp phép; mở rộng tiết diện một số ruột dẫn gồm 2, 3, 5, 7, 8, 11, 14, 22, 38… là những mặt cắt có nhu cầu, cần thiết và có cơ sở để đưa vào JIS và có thể quy định rõ cấu tạo của từng mặt cắt. Các mặt cắt bổ sung khi áp dụng vào sản phẩm có thể quy định tuân theo mức yêu cầu về chất lượng nghiêm ngặt hơn (ví dụ chiều dày dây điện mặt cắt 3,5mm2 phải theo mặt cắt 4 mm2 mặc dù nằm giữa 2,5 mm2 và 4 mm2).
Công ty Cổ phần Dây cáp điện Thịnh Phát nêu quan điểm: “Quy chuẩn quốc gia QCVN 04: 2009/BKHCN đã đưa các loại dây và cáp bọc PVC vào diện bắt buộc phải quản lý chất lượng (thuộc mục 10 của QCVN 04: 2009), trong đó phạm vi được giới hạn cụ thể trong 3 tiêu chuẩn TCVN 6610-3, TCVN 6610-4 và TCVN 6610-5. Ba tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng thật ra được dịch nguyên văn từ tiêu chuẩn quốc tế IEC 60227-3, IEC 60227-4 và IEC 60227-5. Trong khi đó bộ tiêu chuẩn IEC 60227 cho dây cáp điện bọc PVC là rất phổ thông trên thế giới, do đó việc QCVN 04: 2009/BKHCN chọn IEC 60227 làm nền tảng để quản lý chất lượng là rất hợp lý; QCVN 04: 2009 chỉ giới hạn trong 3 tiêu chuẩn TCVN 6610-3, TCVN 6610-4 và TCVN 6610-5, song đến nay có thể khẳng định là chưa quản lý nổi, chưa tạo ra thay đổi nhằm loại bỏ dây điện trôi nổi kém chất lượng để giúp người dân và xã hội an toàn hơn, nhưng nay lại muốn mở rộng phạm vi kiểm soát của QCVN 04 rất rộng đến mức không xác định được (dây cáp điện từ 50 đến 1000V xoay chiều được chế tạo bằng bất kỳ vật liệu nào, tiêu chuẩn quốc gia hay quốc tế nào cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 04 dự thảo sửa đổi). Một điều nữa là QCVN 04:2009/BKHCN dự thảo sửa đổi lại muốn cho phép sản xuất “tiết diện đa dạng”, không theo các kích thước quy định trong tiêu chuẩn TCVN hay IEC. Điều này sẽ tạo ra muôn vàn rối rắm không kiểm soát được, vì không có cơ sở thử nghiệm đánh giá chất lượng, không kết nối phù hợp với các phụ kiện khác của mạch điện, không phù hợp với chủ trương hội nhập với thế giới bên ngoài… Do đó, chỉ nên quản lý các dây và cáp điện có tính chất gia dụng như trong quy định QCVN 4: 2009/BKHCN, không nên mở rộng đến 0,6/1 kV; Không nên đưa tiết diện đa dạng, không theo các kích thước TCVN vào để được áp dụng. Đồng thời, phải tiêu chuẩn hóa sản phẩm để có cơ sở thử nghiệm, đánh giá chất lượng, kết nối được các phụ kiện khác của mạch điện. Cần tiêu chuẩn hóa sản phẩm để hòa nhập với thế giới; Cần coi trọng tầm quan trọng của việc ghi nhãn hàng hóa”. Còn Công ty Cổ phần Đầu tư Robot nêu khó khăn: “Hiện nay Công ty đang có những đơn đặt hàng chủng loại dây không có trong TCVN, nên việc sản xuất gặp nhiều trở ngại vì đăng ký nhãn mác và quản lý chất lượng”. Cùng nêu trường hợp tương tự, Công ty TNHH MTV Dây và Cap Taihan Sacom cho hay: “Nhà chế tạo gặp khó khăn vì không có tiêu chuẩn quy định về điện trở cách điện”.
Đại diện một số cơ quan quản lý và khoa học cũng nêu lên nhiều kiến nghị sửa đổi cần thiết. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng: “Về cơ bản nhất trí với nội dung bản Dự thảo Thông tư, nhưng đề nghị cập nhật các tiêu chuẩn IEC viện dẫn sang QCVN 4:2009/BKHCN”. Đại diện Tổng cục Hải quan nêu: “Với khái niệm dây và cáp điện hạ thế mà không quy định rõ mức điện áp cụ thể, không quy định rõ đối tượng được loại trừ, đồng thời chưa quy định về kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn áp dụng sẽ phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện”. Chi cục TCĐLCL TP.HCM đề nghị xác định: “Nguồn điện hạ áp là nguồn điện xoay chiều có tần số 50Hz và có điện áp không vượt quá 1000 V, hoặc nguồn một chiều không vượt quá 1500 V để thống nhất với QCVN 9: 2012/BKHCN và việc ghi nhãn trên dây và cáp điện phải tuân thủ các quy định trong các tiêu chuẩn quốc gia, tương ứng với kiểu dây và cáp cụ thể”. Trung tâm Chứng nhận phù hợp: “Đề nghị xem xét bổ sung các tiêu chuẩn khác không phải tiêu chuẩn quốc gia như tiêu chuẩn hiệp hội, và tiêu chuẩn ngành của các nước đang phát triển”. Chi cục TCĐLCL Hà Nội: “Cần bổ sung nội dung ghi nhãn, ký hiệu mã”… Chi cục TCĐLCL Hải Phòng: “Phải nêu xuất xứ và dấu hiệu nhận biết dây và cáp điện bao gồm cấp điện áp, vật liệu ruột dẫn, vật liệu cách điện vật liệu vỏ bọc và tiết diện”…
Trên đây chỉ là những ý kiến có tính chất đại diện, tập trung chính vào nội dung chủ yếu cần sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra còn nhiếu ý kiến thiết thực khác của nhiều doanh nghiệp và các cơ quan khác tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.
Anh Thư (ghi)