PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của các doanh nghiệp hội viên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
Ông Lương Công Huỳnh: Hiện, HECA có 66 hội viên (hội viên chính thức, hội viên liên kết, hội viên danh dự) và 14 hội viên chuyên gia. Các doanh nghiệp hội viên của HECA có mặt ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận như: Long An, Tây Ninh, Đồng Nai... Tổng sản lượng dây, cáp điện của doanh nghiệp hội viên HECA tiêu thụ tại thị trường nội địa chiếm tới 90%; xuất khẩu 10% sang các thị trường Lào, Campuchia, Mỹ, Myanma, Trung Đông, Nhật Bản.
Nhìn chung, đến thời điểm này, các doanh nghiệp hội viên của HECA đã không ngừng trưởng thành, phát triển bền vững và có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của đất nước.
PV: Theo ông, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng, thì các doanh nghiệp hội viên của HECA phải làm gì để sản phẩm tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường?
Ông Lương Công Huỳnh: Nếu như năm 2003, Việt Nam chỉ có khoảng 60 doanh nghiệp lớn nhỏ chuyên SXKD dây và cáp điện, sản lượng tiêu thụ chỉ đáp ứng 70% nhu cầu thị trường nội địa, 30% vẫn phải nhập khẩu, thì mười năm sau (năm 2013), Việt Nam đã có gần 200 doanh nghiệp SXKD dây và cáp điện, đáp ứng trên 95% nhu cầu thị trường nội địa. So với các nước trong khu vực và thế giới, nhu cầu sử dụng dây, cáp điện của Việt Nam mới chỉ bằng 1/15 - 1/30 và chỉ bằng 1/50 so với nhu cầu của các nước công nghiệp phát triển. Nếu năm 2003, sản lượng điện phát ra là 41 tỷ kWh, thì năm 2015 là 157,6 tỷ kWh, cho thấy, nhu cầu sử dụng và tiềm năng của ngành sản xuất dây và cáp điện Việt Nam là rất lớn, các doanh nghiệp trong ngành sẽ có rất nhiều cơ hội khẳng định mình để phát triển. Nhưng quan trọng hơn là, doanh nghiệp phải có được nguồn tài chính lớn mạnh, sản phẩm của doanh nghiệp phải đạt chuẩn chất lượng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo được dấu ấn đối với người tiêu dùng, được người tiêu dùng đón nhận. Vì vậy, để các mặt hàng sản phẩm dây và cáp điện của các doanh nghiệp hội viên đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường, đủ sức vươn ra “biển lớn”, chúng tôi luôn khuyến khích các hội viên đi theo hướng đa dạng hóa thị trường, không chỉ chú trọng phát triển, mở rộng thị trường lớn, mà phải chú trọng tiếp cận cả thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù mang tính sáng tạo cao, cung cấp cho từng nhóm đối tượng người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp hội viên cần tăng cường liên kết với nhau, tạo thêm sức mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, để giá cả sản phẩm hợp lý, đủ sức cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, cạnh tranh sản phẩm phải tuân theo quy luật thị trường, vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp hội viên phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để tồn tại và phát triển bền vững.
PV: Xin ông cho biết một số kết quả mà HECA đạt được ở nhiệm kỳ qua?
Ông Lương Công Huỳnh: Với chức năng, quyền hạn của mình, nhiệm kỳ qua, HECA đã không ngừng phát huy vai trò cùng gánh vác, hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp hội viên. Cụ thể, thông qua hàng loạt các hoạt động thiết thực như: Hàng năm, Hội đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật, công nghệ về dây và cáp điện; Tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp hội viên; Tổ chức cho các hội viên thăm quan, tham gia Hội chợ, triển lãm về máy móc, thiết bị làm dây và cáp điện (tổ chức tại Trung Quốc, Thái Lan...). Năm 2015, sản phẩm của một doanh nghiệp hội viên bị kẻ gian làm hàng giả, nhãn giả, doanh nghiệp hội viên này đã tố cáo kẻ gian ra tòa. Đồng hành cùng vụ việc, HECA đã “vào cuộc”, tổ chức Hội thảo để công khai sự việc trước công luận và cùng với đó đã có trên 10 tờ báo của Trung ương và địa phương tham gia đưa tin, viết bài phản ánh thực trạng đó. Trong nhiệm kỳ, Hội đã làm quen với “Liên minh Dây và Cáp điện Châu Á” và đã nhận được từ tổ chức này không ít thông tin bổ ích về ngành, thậm chí còn được mời tham gia các hoạt động sản xuất dây và cáp điện tại các nước trong khối Liên minh.
Nhờ có sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp hội viên, nên những thành quả HECA đạt được ở nhiệm kỳ qua là rất đáng trân trọng. Điều này được minh chứng: Hội đã vinh dự được UBND TP.HCM trao tặng 7 Bằng khen về thành tích công tác hội; Danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc; 01 Bằng khen của UBMTTQ TP.HCM về công tác từ thiện xã hội. Ngoài ra, nhiều hội viên và doanh nghiệp hội viên của Hội đạt Danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu” và “Doanh nghiệp tiêu biểu”.
PV: HECA có những giải pháp gì để các doanh nghiệp hội viên phát triển trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Lương Công Huỳnh: Phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ V (giai đoạn 2016-2021), trên cơ sở điều lệ hoạt động của Hội, chúng tôi sẽ vận động kết nạp thêm hội viên mới. Đặc biệt, chú trọng kết nạp các doanh nghiệp kinh doanh dây và cáp điện cũng như sản phẩm phụ trợ; Chú trọng công tác đào tạo, (liên kết với Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn) phấn đấu mở lớp cao đẳng, đại học về “sản xuất, công nghệ dây và cáp điện”; Cập nhật bổ sung vào các tài liệu (đã ban hành nội bộ) về “công nghệ dây và cáp điện; Nâng tầm hoạt động của Hội qua việc chú trọng nội dung các cuộc Hội thảo về tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thăm quan, học hỏi các đơn vị bạn trong và ngoài nước... giúp các hội viên kịp thời nắm bắt thông tin ngành, nắm bắt tình hình SXKD dây và cáp điện trong, ngoài nước; Vận động hội viên cam kết: “Chỉ SXKD những sản phẩm dây và cáp điện đạt yêu cầu chất lượng”; Đưa Trung tâm Nghiên cứu Dây và Cáp điện đi vào hoạt động hiệu quả; Vận động hội viên tham gia công tác xã hội, công tác cộng đồng; Cải tiến sinh hoạt và hoạt động của Ban chấp hành để hoạt động của Hội ngày càng hiệu quả hơn.
Hy vọng, với những nỗ lực, cố gắng và thành quả mà HECA đã đạt được sẽ là tiền đề vững chắc, tiếp thêm sức mạnh để bước vào năm mới, Hội cũng như các doanh nghiệp hội viên sẽ có nhiều bứt phá mới, tiếp tục gặt hái nhiều thành công và không ngừng phát triển bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!
Anh Thư (thực hiện)