Chủ Nhật, 24/11/2024 01:34:21 GMT+7
Lượt xem: 465

Tin đăng lúc 14-09-2023

Hà Giang: Chính sách khuyến công tạo đà cho doanh nghiệp phát triển

Giai đoạn năm 2020 đến tháng 6/2023, Trung tâm Xúc tiến Công Thương tỉnh Hà Giang (Trung tâm) thực hiện 40 đề án khuyến công cho 52 nội dung hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn với tổng kinh phí hỗ trợ là 8,345 tỷ đồng ở các nội dung hỗ trợ đa dạng phong phú như: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất CN - TTCN; hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu, tư vấn thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm; hỗ trợ tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Hà Giang: Chính sách khuyến công tạo đà cho doanh nghiệp phát triển
Dây chuyền sản xuất tôn sóng tại công ty TNHH Phùng Hưng

Việc đầu tư mới máy móc, các trang thiết bị tiên tiến, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại là nhu cầu thiết yếu của nhiều DN trong tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên nhiều DN đã không đủ sức đổi mới công nghệ sản xuất. Thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng DN, thời gian qua Trung tâm đã chủ động thực hiện giải pháp hỗ trợ các DN mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, phát triển từ chất lượng đến bao bì sản phẩm, góp phần giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương.

 

Điển hình là Công ty TNHH Phùng Hưng (tổ 9, phường Quang Trung, TP Hà Giang), qua chương trình khuyến công địa phương, tháng 3/2023 Trung tâm đã hỗ trợ cơ sở đầu tư mua sắm mới máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất tôn sóng. Với tổng kinh phí đầu tư là 800 triệu đồng, trong đó nguồn khuyến công địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng, phần còn lại là DN đối ứng. Việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến đã giúp DN cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 

Bà Hoàng thu Thảo - Phó Giám đốc Công ty TNHH Phùng Hưng cho biết: Từ khi đưa máy móc, thiết bị mới vào hoạt động, trung bình 01 ngày sản xuất được 500m2 tôn sóng, gấp đôi sản lượng khi chưa có máy móc mới. Việc này hỗ trợ công nhân rất nhiều trong quy trình sản xuất sản phẩm cũng như sản phẩm sản xuất ra được khách hàng ưa chuộng do tính thẩm mỹ cao, tạo công ăn việc làm cho 10 - 20 lao động địa phương với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng, góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển CNNT.

 

Công ty TNHH Thành Sơn ở tổ 9, xã Phương Độ, TP Hà Giang có sản phẩm trà hoà tan Tây Côn Lĩnh. Năm 2020 được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để đầu tư máy đóng gói bột trà hoà tan tự động 1 túi cắt 1 lần. Nhờ có máy móc hiện đại mà chất lượng sản phẩm chè được nâng cao, qua đó, sản phẩm trà hoà tan Tây Côn Lĩnh tăng năng suất lên đến 5 tấn trà/năm, có nhiều sản phẩm chất lượng và được khách hàng quốc tế quan tâm. Doanh thu hằng năm từ sản xuất chè búp tươi và chế biến chè của Công ty đạt trên 500 triệu/năm, bên cạnh đó tạo việc làm cho 10 lao động địa phương.

 

“Sự hỗ trợ của chính sách khuyến công là nguồn động viên lớn không chỉ đối với Công ty TNHH Thành Sơn mà còn hỗ trợ rất nhiều cho các DN sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đây là nguồn lực giúp DN có thể hướng đến các sản phẩm cao cấp hơn để phục vụ người tiêu dùng, đem lại giá trị cao về kinh tế cũng như đời sống cho người dân Hà Giang:, bà Phạm Thị Minh Hải - Phó giám đốc công ty TNHH Thành Sơn chia sẻ.

 

Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu cho Sở Công Thương các đề án gắn với vùng nguyên liệu như: Cam sành, chè shan tuyết, mật ong bạc hà và một số sản phẩm phục vụ khách du lịch. Tập trung vào các đề án trọng tâm, trọng điểm, các đề án xây dựng mô hình, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; xây dựng đăng ký thương hiệu tư vấn nhãn mác bao bì đối với sản phẩm trọng tâm của tỉnh; tuyên truyền công tác khuyến công nhằm truyền tải các kiến thức, chính sách khuyến công đến với các cơ sở CNNT.

 

Như Trang


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang