Giai đoạn 2014-2024, Hà Nam có gần 150 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn SPCNNTTB; trong đó, có 91 sản phẩm được công nhận là SPCNNTTB cấp tỉnh, 17 sản phẩm được công nhận cấp khu vực, 03 sản phẩm được công nhận cấp quốc gia. Nhiều sản phẩm được công nhận do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các CCN - TTCN, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh sản xuất như: Làng nghề trống Đọi Tam, lụa Nha Xá (thị xã Duy Tiên); Bánh đa nem làng Chều (Lý Nhân); Thêu ren Thanh Hà (Thanh Liêm); Cặp phao cứu sinh, gốm Quyết Thành (Kim Bảng)…
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận SPCNNTTB cấp tỉnh năm 2023 với 20 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm. Trong số các sản phẩm này, 7 sản phẩm có số điểm cao nhất được lựa chọn đăng ký dự thi bình chọn SPCNNTTB cấp khu vực.
Là đơn vị có sản phẩm được công nhận SPCNNTTB năm 2023 được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng phấn khởi cho biết, kỳ bình chọn lần này HTX có 03 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là SPCNNTTB cấp tỉnh, gồm cá kho Hải Đăng, chả cá Hải Đăng, ruốc cá Hải Đăng. Đây là điều kiện tốt để sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng biết đến. Chương trình cũng tạo động lực để HTX đẩy mạnh quảng bá, tiếp tục đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời nghiên cứu phát triển thêm một số sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm CNNT, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Công Thương về khuyến công và tổ chức bình chọn SPCNNTTB. Trong đó, công tác hỗ trợ phát triển các SPCNNTTB được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: Hỗ trợ các cơ sở sản xuất CNNT đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tổ chức các Hội chợ hàng CNNT tiêu biểu; hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày giới thiệu SPCNNTTB cấp khu vực và quốc gia; xây dựng các ấn phẩm xúc tiến thương mại về SPCNNTTB trên địa bàn tỉnh; phối hợp xây dựng các phóng sự, chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền, quảng bá về SPCNNTTB trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ các chủ thể có SPCNNTTB đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…
Tính từ năm 2021 đến nay, bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã hỗ trợ cho 14 cơ sở CNNT có sản phẩm được công nhận SPCNNTTB cấp tỉnh trở lên với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,2 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho 12 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm như: Lụa Nha Xá; gốm Quyết Thành; thêu ren Thanh Hà; mây tre Ngọc Động; dưa chuột đóng hộp; phở khô Khánh Linh; bánh đa nem làng Chều; cá kho Hải Đăng; trà ướp hoa sen, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa; hỗ trợ 02 cơ sở CNNT ở làng nghề truyền thống lụa Nha Xá, gốm Quyết Thành đầu tư xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm CNNT cấp khu vực và cấp quốc gia. Cũng từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ hàng chục cơ sở có SPCNNTTB đưa sản phẩm lên giới thiệu, bày bán ở các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam, cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục ưu tiên kinh phí từ nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ các cơ sở có SPCNNTTB đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; tích cực hỗ trợ các cơ sở tham gia hội chợ, triển lãm để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giao thương.
Cùng với đó, Trung tâm sẽ tư vấn cho các cơ sở CNNT xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiêu thụ SPCNNTTB thông qua việc kết nối giữa cơ sở sản xuất với các kênh tiêu thụ tại các hội nghị, hội chợ, hội thảo bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến; kết nối các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Co.opmart, Big C, Go!, VinMart… để giới thiệu, bày bán các SPCNNTTB của tỉnh…
An Nhi