Theo thống kê, toàn Thành phố hiện có hơn 222.000ha cây trồng (trong đó có 153.000ha lúa, 20.000ha cây ăn quả…). Với mục tiêu phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng, an toàn, đến nay, Hà Nội đã có 226 vùng lúa, 144 vùng bưởi, 72 vùng chuối. Các vùng này đều ứng dụng cơ giới, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Từ đó, từng bước đổi mới trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết tại địa phương, phát huy thế mạnh vùng, nâng cao chất lượng hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống. Mặt khác, qua các lớp đào tạo, tập huấn, nông dân cũng dần thay đổi tư duy canh tác, chủ động quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế...
Đơn cử, tại xã Nam Hà, huyện Phúc Thọ, có tới 73ha đất nông nghiệp được chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang trồng bưởi Tam Vân. Sản phẩm bưởi Tam Vân có giá thành cao, trung bình từ 15.00 -20.00 đồng/quả. Năm 2024 vừa qua, ước tính người dân trong xã thu khoảng 80 tỷ đồng.
Tại xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, toàn xã có hơn 400ha đất sản xuất nông nghiệp, được sự hỗ trợ của huyện và thành phố đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa chất lượng cao, tham gia vào chuỗi liên kết ổn định, tạo nguồn thu khá cho nông dân,…
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, việc phát triển nông sản chủ lực ở Hà Nội còn hạn chế do quy mô sản xuất nông hộ, diện tích nhỏ nên khó khăn trong bố trí cơ cấu giống, đầu tư cơ sở hạ tầng; khó áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, tăng giá thành sản phẩm... Nhiều nông dân còn sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm truyền thống; việc áp dụng kỹ thuật mới để tăng chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu thị trường còn hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa bền vững; công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đa số mới dừng ở các hội nghị trong nước, ít có cơ hội giới thiệu, quảng bá tại nước ngoài...
Để nông sản chủ lực của địa phương phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho nông dân cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0; phát triển sản xuất theo vùng chuyên canh đặc sản vùng miền (cây ăn quả, lúa chất lượng cao...). Các cấp, ngành cần tiếp tục hỗ trợ đổi mới, phát triển hợp tác xã trở thành tác nhân kinh tế quan trọng trong sản xuất - tiêu thụ, kết nối các thành phần trong chuỗi giá trị…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu gắn với mã truy xuất nguồn gốc, mã QR để minh bạch nguồn gốc sản phẩm; đăng ký, quản lý mã số vùng trồng để đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Ngoài ra, ngành tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để nhiều người tiêu dùng nhận diện, tiêu thụ nông sản chất lượng cao của Hà Nội.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tìm hiểu thị trường nước ngoài thông qua khảo sát thị trường, tham gia Hội chợ, trong đó chú trọng các nước có nhu cầu tiêu thụ nông sản với số lượng lớn, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp Thủ đô định hướng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ; hỗ trợ về đào tạo, vốn vay, giống nhập khẩu, thiết bị công nghệ, đặc biệt là hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong canh tác, bảo quản, chế biến nông sản chủ lực...
Tuấn Kiệt