Cùng với đó, Hà Nội phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; Chỉ số phát triển lĩnh vực CNHT hàng năm tăng trên 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân ngành Công nghiệp 02 năm 2019 - 2020 đạt từ 9,78 - 10,79%/năm, nhằm đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,6 - 9%.
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh: “Để thúc đẩy phát triển CNHT thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác đầu tư với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài; thu hút, kêu gọi các đối tác đầu tư vào CNHT...
Về phía các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn cần chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài các giải pháp hỗ trợ về tài chính, phát triển khoa học - công nghệ cũng như nguồn nhân lực, cần thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp đa quốc gia, công ty sản xuất và lắp ráp nước ngoài. Các doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và sản xuất để từng bước giành được chỗ đứng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay”.
Hà Nội phấn đấu chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng trên 12%
Hiện nay, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai nhiều nội dung, chương trình hành động, thực hiện nhiều giải pháp trọng yếu như: Xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT thành phố Hà Nội; Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực CNHT; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu;…
Theo Kế hoạch số 91, để có được 400 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu tại Việt Nam, Thành phố đã và đang điều tra, khảo sát khoảng 1.000 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm như Chế biến - Chế tạo; Điện - Điện tử; Công nghiệp vật liệu; Dệt may; Bao bì; Thu thập thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về CNHT; xây dựng trang thông tin về CNHT của Hà Nội… Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp trên địa bàn với các doanh nghiệp nước ngoài,… đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp CNHT.
Có thể nói, CNHT đang được xem là lĩnh vực quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, thực hiện tốt các mục tiêu Kế hoạch số 91 sẽ góp phần thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp Hà Nội, xây dựng Thủ đô ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Hà Nam