Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:13:24 GMT+7
Lượt xem: 918

Tin đăng lúc 23-09-2024

Hà Nội: “Thỏi nam châm” mới của ngành công nghiệp hỗ trợ bán dẫn

Trong những năm qua, Hà Nội đang chủ động kiến tạo một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện, bao gồm các hoạt động từ nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực, đến phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Hà Nội: “Thỏi nam châm” mới của ngành công nghiệp hỗ trợ bán dẫn
DN giới thiệu những công nghệ mới tại Hội chợ triển lãm CNHT thành phố Hà Nội năm 2024

Hà Nội sở hữu nhiều khu công nghiệp (KCN) và khu công nghệ cao đã hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) bán dẫn. Tiêu biểu là Khu CNHT Nam Hà Nội (Hansip) với sự hiện diện của các doanh nghiệp (DN) lớn như Inventec, góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng bán dẫn. Ngoài Hansip, Hà Nội còn có các KCN khác như Thăng Long, Nội Bài, Quang Minh... cũng đang thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực CNHT bán dẫn, tạo ra một mạng lưới cung ứng đa dạng và linh hoạt.

 

Các DN CNHT tại Hà Nội không chỉ cung cấp các linh kiện, phụ kiện đơn giản mà còn tham gia vào các công đoạn phức tạp hơn như sản xuất bo mạch in, gia công cơ khí chính xác, chế tạo khuôn mẫu... Ví dụ, Công ty Meiko Electronics Việt Nam chuyên sản xuất bo mạch in chất lượng cao, cung cấp cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn trong và ngoài nước. 

 

Mặc dù chưa có các nhà máy sản xuất chip quy mô lớn, Hà Nội lại sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và liên kết với các trung tâm sản xuất chip lớn trong khu vực. Sự gần gũi với doanh nghiệp như: Samsung (tỉnh Bắc Ninh); Intel (Thái Nguyên); Foxconn (Bắc Giang)... mở ra cơ hội trao đổi công nghệ, chia sẻ nguồn lực và hợp tác sản xuất, góp phần hình thành một vành đai công nghiệp bán dẫn vững mạnh, cho phép các DN CNHT bán dẫn tại Hà Nội tận dụng lợi thế này để hợp tác trong các công đoạn như kiểm định, đóng gói và thử nghiệm. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và tăng cường khả năng cạnh tranh của các DN trong nước. 

 

Đặc biệt, vào cuối tháng 7/2024, tại chuỗi sự kiện Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn 2024 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong việc trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

 

GS.TS Khoa học Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, Hà Nội hiện có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn. Ví dụ như thành phố hiện có trụ sở 02 Viện Hàn lâm khoa học, hàng chục trường đại học với đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ; số lượng DN ngày càng tăng.  

 

Minh chứng rõ nét cho sự đầu tư của Hà Nội vào hệ sinh thái bán dẫn là việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc ươm mầm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Vai trò của ICDREC không chỉ dừng lại ở việc đào tạo kỹ sư, mà Trung tâm này còn tích cực tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển vi mạch, hợp tác với các DN trong nước để phát triển các giải pháp công nghệ then chốt cho các ứng dụng IoT và Smart City.

 

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng thu hút các DN cung cấp dịch vụ thiết kế, kiểm định và đóng gói chip, góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các đơn vị trong lĩnh vực này. Sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong ngành bán dẫn tại Hà Nội đã tạo ra những tác động tích cực đáng kể. Điển hình là quyết định của Infineon Technologies AG - một trong những nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới - thành lập trung tâm R&D tại Hà Nội, không chỉ mang lại nguồn vốn đầu tư trực tiếp mà còn tạo sức hút đối với các nhà cung cấp và đối tác khác trong chuỗi giá trị bán dẫn. Các công ty hàng đầu thế giới khác như Synopsys và Cadence cũng chọn điểm đến là Hà Nội, đã góp phần quan trọng vào việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực thiết kế vi mạch cho các kỹ sư Việt Nam.

 

Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, Hà Nội là nơi tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tới thăm Việt Nam như Nvidia, Apple, SpaceX… Hơn nữa, Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các DN công nghệ cao. Các dự án phù hợp có thể nhận được ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập cá nhân và DN, ưu tiên và thủ tục hải quan… Thực tế, với lợi thế riêng, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang có các điều kiện hấp dẫn nhà đầu tư từ vị trí địa lý lý tưởng đến việc bảo đảm điều kiện cho các DN công nghệ nói chung, DN bán dẫn nói riêng, tham gia vào các mạng lưới đối tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu, ươm tạo và sản xuất công nghệ cao.

 

 

Việt Nam đang ngày càng nổi bật trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu 

 

Dù đầy đủ tiềm năng phát triển như vậy song ngành công nghiệp bán dẫn của Hà Nội vẫn đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Ngành CNHT bán dẫn ở Hà Nội hiện đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, với quy mô còn nhỏ và chủ yếu tập trung vào các hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ như thiết kế, kiểm định và đóng gói chip. Năng lực công nghệ của các DN trong nước còn chưa cao, chủ yếu tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản, trong khi các công đoạn phức tạp hơn như thiết kế, chế tạo thiết bị, vật liệu vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Hà Nội hiện mới chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ cả về số lượng DN cũng như lực lượng lao động. Trong số hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam, 85% làm việc tại TPHCM, Hà Nội chỉ chiếm 8%.

 

Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng, công nghiệp bán dẫn không chỉ là sản xuất các chất bán dẫn, các tấm wafer và các chip điện tử. Ngay cả để làm được các sản phẩm này, cũng cần các ngành CNHT với các sản phẩm vô cùng quan trọng cho công nghiệp bán dẫn. Trong đó, phải kể đến các hệ thống cơ khí chính xác, các hệ thống máy CNC, hệ thống điều khiển tự động trong các dây chuyền chế tạo chất bán dẫn, các máy quang khắc chế tạo vi mạch, các hệ thống máy móc và công nghệ làm sạch chất bán dẫn, các hệ thống bốc bay, lắng đọng pha hơi khí, thậm chí cả các hệ thống tạo chất nền, lưới bóng… Ngành công nghiệp bán dẫn vì vậy cần tới hàng chục công nghiệp phụ trợ khác nhau và đều thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Muốn xây dựng công nghiệp bán dẫn, chắc chắn phải xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, cần phát triển và xây dựng song hành, thậm chí đi trước một bước so với công nghiệp bán dẫn.

 

Các DN muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cho công nghiệp bán dẫn, bên cạnh năng lực về công nghệ, cũng cần phải được trang bị các hệ thống máy móc tinh vi và hiện đại nhất. Trong tương lai gần, chúng ta chưa thể chế tạo được các hệ thống máy móc này mà phải nhập khẩu. Mặc dù vậy, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn cần phải gấp rút xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ mạnh để có thể nắm thế chủ động trong sản xuất và cải tiến công nghệ. Việc này cũng cần sự hợp tác sâu rộng với các đối tác chiến lược, mới có thể thành công.

 

Có thể nói, CNHT bán dẫn ở Hà Nội đang có những bước phát triển tích cực, với sự đóng góp quan trọng từ các DN cung cấp dịch vụ, các trung tâm đào tạo và chính sách hỗ trợ của chính quyền. Với những nỗ lực không ngừng và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, Hà Nội có tiềm năng trở thành một trung tâm CNHT bán dẫn quan trọng, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.  

 

Minh Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang