Đã từng trải qua những năm tháng là người thợ ở công trình thủy điện Thác Bà, rồi vinh dự có thời gian 03 năm được đứng trong đội ngũ của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, kỹ sư Đặng Văn Thanh hiểu rằng, không có việc gì dễ cả, là “người lính” không được phép lùi bước.
Thành công đưa điện về 98% số hộ dân nông thôn
Phép thử đầu tiên đối với Ban Lãnh đạo và cá nhân Giám đốc Đặng Văn Thanh chính là làm thế nào để bà con các dân tộc vùng cao, vùng xa có điện lưới quốc gia. Mong muốn ấy là chủ trương của Đảng, Nhà nước, của biết bao thế hệ CBCNV ngành Điện lực Yên Bái, tuy nhiên, do nguồn vốn từ Trung ương và Tỉnh dành cho phát triển hạ tầng điện ở miền núi còn rất hạn chế nên đã hàng chục năm (từ 1996 – 2006), việc phủ điện lưới quốc gia đến với đồng bào khu vực nông thôn trong tỉnh vẫn phải thực hiện từng bước chậm chạp, không thể nóng vội. Nói không nóng vội được bởi thời kỳ này, ngay cả các thành phố lớn miền Bắc cũng còn thiếu điện, thì các tỉnh vùng cao là tâm điểm của việc cắt điện luân phiên. Nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt thiết yếu của bà con các dân tộc trong tỉnh lúc nào cũng “căng như dây đàn” do lưới điện ở Yên Bái lúc đó thường xuyên đầy tải, phải ngày đêm tập trung lo đối phó thì làm sao có đủ nguồn cung cấp điện cho địa bàn khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cũng rất may, lúc Giám đốc tiền nhiệm Mai Chí Hùng - nay đang là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Tp. Hà Nội chuyển công tác còn chuyển giao để Ban Lãnh đạo PC Yên Bái tiếp nhận thêm 01 trạm biến áp 110 kV Nghĩa Lộ và 01 trạm biến áp 110 kV Lục Yên đang đầu tư dở dang. Giám đốc Đặng Văn Thanh tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thành việc thi công, nhanh chóng đưa công trình vào vận hành. Cùng với việc đưa 02 trạm biến áp Nghĩa Lộ và Lục Yên vào sử dụng, cơ bản đáp ứng đủ nguồn cho các phụ tải, Giám đốc Đặng Văn Thanh lại cùng Công ty dồn sức cho mục tiêu nâng dần tỷ lệ số xã, thị trấn và số hộ dân trong tỉnh có điện lưới quốc gia. Mặc dù nguồn vốn của ngành Điện còn rất hạn chế, nhưng ông Thanh đã mạnh dạn đề xuất với Tập đoàn và Tổng công ty hỗ trợ vay vốn ODA và các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để đầu tư có lộ trình đưa điện lưới quốc gia về các xã, thị trấn chưa có điện. Đặc biệt, ông đã chủ động đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chia sẻ, ủng hộ và huy động người dân trong tỉnh cho vay để phát triển lưới điện về các địa phương. Hiện tại Công ty cũng đã đề xuất và phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng mới 03 trạm biến áp: Ba Khe; Yên Bái 2 và Văn Yên, đồng bộ với hệ thống đường dây, dự kiến sẽ kết thúc và đưa vào sử dụng trước quý 3/2018.
Thành công tiếp nối thành công, với sự giúp đỡ của cấp trên, của chính quyền và nhân dân địa phương, khi nhận nhiệm vụ tiếp quản lãnh đạo Công ty, tỷ lệ số xã, thị trấn mới đạt 87 – 88% và hơn 80 số hộ dân có điện, thì đến năm 2017, đã có 100% số xã, thị trấn và 98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Chỉ tính dung lượng trạm biến áp: Nếu năm 2012 có 770 trạm biến áp (dung lượng 136.379 kVA) và 1.588,7 km đường dây trung thế thì đến cuối năm 2016, đã tăng lên 1.079 trạm biến áp và 11.840,4 km đường dây trung thế... Lưới điện cơ bản phủ kín tới từng gia đình, nhưng điều đáng mừng hơn là từ khi có điện, bà con các dân tộc không chỉ được mua điện trực tiếp từ ngành Điện với giá quy định, mà chất lượng điện thường xuyên ổn định cùng với sự đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Mười một năm trên cương vị người đứng đầu doanh nghiệp, Giám đốc Đặng Văn Thanh không chỉ lo phát triển lưới điện, đưa điện tới người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, mà ông có suy nghĩ rằng, để quản lý vận hành và nâng cao hiệu quả SXKD, trước hết cần phải xây dựng đội ngũ nhân sự vững về chuyên môn và là những người có tâm với ngành. Theo ông Thanh, những năm gần đây, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần, ngành Điện cũng là một trong những ngành đi tiên phong trong việc đầu tư ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại vào quá trình phát triển lưới điện thông minh, quản lý SXKD theo hướng công nghệ kỹ thuật số nên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng lao động đòi hỏi phải được nâng cao. Cùng với đó là ý thức trách nhiệm của người thợ điện đối với người dân phải được thay đổi theo tư duy “Khách hàng là sự tồn tại của ngành Điện” và vì vậy, CBCNV trong Công ty phải học hỏi, để trang bị kỹ năng giao tiếp với khách hàng, người dân không chỉ là bên mua điện mà còn là đối tượng ngành Điện phải phục vụ.
Chính từ quan điểm đó, những năm gần đây, Giám đốc Đặng Văn Thanh đã chú trọng củng cố bộ máy, sắp xếp lại nhân sự, đề xuất bổ sung, đề bạt các vị trí chủ chốt theo hướng tạo điều kiện tối đa cho những cá nhân có ý chí phấn đấu vươn lên; chịu khó học hỏi, vững chuyên môn, nghiệp vụ; dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì tập thể. Bởi theo ông, chỉ những người hội đủ các điều kiện như vậy mới là “đầu tàu” để mọi người làm theo, mỗi bộ phận mạnh, thì cả cơ quan cùng mạnh. Ông cũng không ngại khi có sự đồng thuận thay thế một ai đó vì sự phát triển chung và cũng không phải vì khúc mắc cá nhân, giữa cái đúng cái sai, ông đều rạch ròi, minh bạch. Có lẽ những năm sống trong quân ngũ đã rèn giũa ông có những phẩm chất như vậy.
Đến PC Yên Bái giờ đây, có thể nhận thấy ngay sự nền nếp, đồng thuận, kỷ luật, kỷ cương trong từng con người, sự hứng khởi phấn chấn được thể hiện ngay trong từng bộ phận, phòng ban, đơn vị. Ở mỗi vị trí, mọi người đều như có chung một suy nghĩ, hãy làm việc thật tốt, làm cho cơ quan nhưng cũng làm cho chính mình, cho cuộc sống của gia đình mình.
Không thể khắc họa đầy đủ chân dung Giám đốc Đặng Văn Thanh, bởi trong công việc, có rất nhiều lĩnh vực mà ông và Ban Lãnh đạo Công ty đã thực hiện một cách hiệu quả. Tuy nhiên, điểm thành công lớn nhất ở ông, chính là kết quả của quá trình đưa điện lưới quốc gia về địa bàn nông thôn và chiến lược vì con người ở PC Yên Bái. Ghi nhận chặng đường 10 năm giữ cương vị đứng đầu doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng PC Yên Bái 01 Huân chương Lao động hạng Ba (2010), 01 Huân chương Lao động hạng Nhì (2016) và Giám đốc Đặng Văn Thanh cũng đã vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba.
Mai Hương