Thứ Bẩy, 23/11/2024 07:23:50 GMT+7
Lượt xem: 1971

Tin đăng lúc 05-07-2019

Hải Dương: Cần nâng cao chất lượng nhân lực để phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp

Hải Dương đang rất chú trọng hỗ trợ, đầu tư phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, để các làng nghề “cất cánh” thì chất lượng nhân lực vẫn là bài toán cần lời giải mạch lạc hơn.
Hải Dương: Cần nâng cao chất lượng nhân lực để phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp
Nghề thủ công chế tác đồ gỗ mỹ nghệ mang lại thu nhập cao cho lao động địa phương.

Số liệu từ Sở Công Thương Hải Dương cho biết, toàn tỉnh hiện có 66 làng nghề trong nhiều lĩnh vực sản xuất như: đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gốm, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, thêu ren… Bạn hàng và người tiêu dùng đã quen thuộc với những thương hiệu nổi tiếng như gốm Chu Đậu, vàng bạc Châu Khê, gỗ mỹ nghệ Đông Giao, mộc Cúc Bồ, giầy da Gia Lộc…

 

Có thể nói, các làng nghề thủ công truyền thống đang tạo ra giá trị kinh tế đáng kể, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và trở thành động lực cho sự phát triển của công nghiệp nông thôn Hải Dương.

 

Tuy nhiên, việc mở rộng và đẩy mạnh sản xuất ở các làng nghề vẫn gặp rất nhiều khó khăn mà vấn đề nhức nhối nhất phải kể đến đó là nguồn nhân lực. Từ nhiều năm qua, không chỉ Hải Dương mà nhiều làng nghề khác trên cả nước cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thợ thủ công tay nghề cao.

 

Theo số liệu thống kê mới nhất, Hải Dương hiện có gần 120 nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Dù vậy, tay nghề của người lao động là không đồng đều, lại chỉ được đào tạo theo hình thức truyền nghề hoặc cha truyền con nối không chính quy, thiếu kiến thức cơ bản… Trong khi đó, đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tay nghề của người thợ là yếu tố quyết định đến giá trị thương mại của sản phẩm.

 

Đại diện Sở Công Thương Hải Dương cho biết, lực lượng lao động là yếu tố then chốt giúp các làng nghề có được sản phẩm mang dấu ấn riêng, tạo được chỗ đứng trên thị trường, nhưng trình độ tay nghề của lao động không đồng đều đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

 

Do đó, giải quyết rốt ráo vấn đề nguồn nhân lực đã trở thành điều kiện tiên quyết để Hải Dương phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp nói riêng và công nghiệp nông thôn nói chung. Nhận thức rõ điều đó, Sở Công Thương tỉnh bước đầu đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp để thay đổi tình hình như: Tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; tập huấn nghiệp vụ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở…

 

 

Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu và phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp.

 

Ngoài ra, Sở cũng tổ chức các hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và trao tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề. Năm 2018, Sở Công Thương tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp cho 12 cá nhân.

 

Hiện nay, Hải Dương đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có trên 90 làng được công nhận danh hiệu làng nghề và có từ 130.000 – 140.000 lao động tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Bởi thế, nâng cao chất lượng tay nghề cho lực lượng lao động càng là vấn đề bức thiết cần chú trọng.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang