Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống như chế biến nông sản, thực phẩm, dệt may, da giày..., năm nay, Hải Dương mở rộng hỗ trợ sang các ngành công nghiệp (CN) công nghệ cao như cơ khí chế tạo, điện tử, tự động hóa. Đây là bước đi chiến lược, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đón đầu xu hướng CN 4.0. Một điểm nhấn khác là việc ưu tiên hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ sạch, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Ví dụ, các cơ sở sản xuất gạch không nung, chế biến nông sản hữu cơ, ứng dụng năng lượng tái tạo... sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao hơn. Điều này thể hiện rõ định hướng phát triển bền vững của tỉnh.
Không chỉ rót vốn, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển CN (TTKC) tỉnh Hải Dương còn chú trọng “cầm tay chỉ việc” cho DN thông qua các hình thức hỗ trợ thiết thực. Các chuyên gia sẽ trực tiếp đến cơ sở sản xuất, nắm bắt tình hình, tư vấn giải pháp công nghệ phù hợp, giúp DN tối ưu hóa quy trình sản xuất. TTKC tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ cho cán bộ kỹ thuật, công nhân, giúp nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại. Hải Dương cũng hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, kết nối với các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhiều DN ở Hải Dương đã nhận được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công để đầu tư vào máy móc hiện đại, giúp tăng năng suất lao động và giảm thiểu chi phí sản xuất. Các ngành nghề như chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc và sản xuất đồ gỗ đã có bước tiến đáng kể về năng lực sản xuất. Các làng nghề truyền thống tại Hải Dương như nghề làm gốm, chạm khắc gỗ, sản xuất nón lá… đã được chú trọng bảo tồn và phát triển, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia sản xuất và phát triển kinh tế.
Dù vậy, việc phát triển CNNT ở Hải Dương cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc TTKC Hải Dương cho biết, các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các đơn hàng bị hạn chế, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều nên chủ yếu sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động. Đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hạn chế phần lớn do nguồn tài chính của cơ sở hạn hẹp.
Để tháo gỡ những khó khăn đó, Hải Dương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN CNNT. Trong đó, Kế hoạch khuyến công tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 – 2025 với những giải pháp đồng bộ rất được kỳ vọng. Sở Công Thương đã tập trung bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia tìm ra sản phẩm tiêu biểu để hỗ trợ phát triển. Chủ động nắm bắt tình hình phát triển CN trên địa bàn tỉnh đồng hành, hỗ trợ các cơ sở CNNT trong việc định hướng phát triển, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Chương trình khuyến công Hải Dương năm 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển CN địa phương, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Những giải pháp cụ thể như tăng cường hỗ trợ tài chính, ứng dụng công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo lao động sẽ giúp tỉnh Hải Dương đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Minh Phương