Thứ Sáu, 22/11/2024 23:38:33 GMT+7
Lượt xem: 2484

Tin đăng lúc 27-10-2016

Hàng Việt thua vì... giá cao!

Nhiều mặt hàng Việt Nam không hề thua kém về chất lượng, thậm chí chất lượng còn vượt trội. Nhưng chính vì giá thành quá cao nên hàng Việt luôn đuối sức cạnh tranh, không chỉ trên thị trường nước ngoài mà còn bị đe doạ trên chính thị trường nội địa.
Hàng Việt thua vì... giá cao!
Hàng Việt thua vì... giá cao!

Bằng chứng dễ thấy nhất là trường hợp của ngành phân bón, những năm gần đây, ngành phân bón trong nước luôn trong tình trạng dư thừa, ế ẩm do không thể cạnh tranh được với hàng nhập ngoại.

 

Ts. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới từng đặt câu hỏi: “Tại sao trước giờ giá phân bón sản xuất trong nước của Việt Nam luôn cao hơn thế giới dù hàng của họ nhập khẩu về đã phải chịu thuế?

 

Hàng nội tồn kho, hàng nhập sống khoẻ

 

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước mỗi năm khoảng 11 triệu tấn các loại, năng lực sản xuất trong nước đáp ứng được 80% nhu cầu. Trong đó phân đạm (u rê) cung vượt cầu khoảng 400.000 tấn.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo thường kỳ tháng 9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến cuối tháng 9, khối lượng nhập khẩu u rê ước đạt 443.000 tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, tăng 58,8% về khối lượng và 16,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu vẫn từ Trung Quốc với 41,5% thị phần và đây là thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam.

 

Với ngành sắt thép, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi 2,9 tỷ USD nhập 7,3 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tăng mạnh cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.Trong khi đó, lượng thép sản xuất trong nước khá dồi dào.

 

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên VSA tháng 8/2016 đạt 1.532.496 tấn, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 5,7% so với tháng trước.

 

Theo VSA, tăng trưởng sản xuất các sản phẩm thép trong 8 tháng đầu năm 2016 đều vượt 29%, cho thấy khả năng đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về các sản phẩm thép xây dựng của doanh nghiệp trong nước. VSA nhận định, nếu hàng nhập khẩu không ồ ạt đổ bộ thì cơ hội cho các doanh nghiệp nội sẽ lớn hơn rất nhiều.

 

Theo các doanh nghiệp, do giá thép Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với giá thép của Việt Nam – khoảng hơn 10% so với thép nội, nên nhiều công ty thương mại đang tích cực nhập khẩu để cung ứng ra thị trường.

 

Mới đây, trường hợp của ngành than cũng khiến nhiều người quan ngại. Trung Quốc, nước từng nhập than lớn nhất của Việt Nam vài năm trước, nay đang dần chen chân vào top đầu các nước bán than nhiều nhất cho Việt Nam, dù các “ông lớn” ngành than đang… tồn cả chục triệu tấn.

 

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu hơn 10,5 triệu tấn than, với trị giá 655 triệu USD. Con số này tăng tới 147,6% về lượng và 82,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trước đó, theo Báo cáo của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, trong khi đó, ngành than cũng đang tồn kho 12 triệu tấn.

 

Nhiều mặt hàng khác của Việt Nam hiện nay dư thừa nhưng vẫn phải nhập từ nước ngoài như rau quả, thuỷ sản… Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết tháng 9/2016, Việt Nam nhập 35,9 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc nhưng xuất khẩu vào thị trường này chỉ 15 tỷ USD.

 

Tương tự, Việt Nam cũng nhập lượng lớn hàng hóa từ Hàn Quốc (23 tỷ), nhập siêu từ nước này lên tới 14,7 tỷ USD; nhập của Thái Lan hơn 6 tỷ hàng hóa và nhập siêu 3,5 tỷ USD.

 

Giá luôn là “điểm yếu”

 

Có nhiều lí do khiến hàng Việt đang đuối sức trên sân nhà trong cạnh tranh với hàng ngoại nhưng trong đó có thể khẳng định rằng một nguyên nhân không thể không nói tới là giá thành của chúng ta cao hơn so với hàng nhập ngoại, dù hàng ngoại vẫn phải chịu thuế.

 

Bình luận về vấn đề này, PGs.Ts. Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại Tp.HCM (Bộ NN&PTNT), cho rằng với quy tắc “bình thông nhau”, nước chảy chỗ trũng thì đây cũng là điều bình thường. “Giá bán của người ta rẻ hơn thì mình nhập về thôi”, ông Khải nói.

 

Đối với mặt hàng phân bón, thực tế hiện nay, ngoài các nước trong khu vực ASEAN được miễn thuế, phân bón nhập khẩu từ các nước khác đều phải chịu thuế nhập khẩu 6%. Nhưng ngay cả chịu thuế thì phân bón nhập khẩu vẫn rẻ hơn hàng nội địa, đó là nghịch lý tồn tại nhiều năm trên thị trường.

 

Khi lí giải vì sao giá than trong nước cao hơn than xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), giải thích là do lượng than lộ thiên không còn nhiều, phải đào sâu xuống lòng đất mới có than, từ đó chi phí đầu tư tăng lên. Chi phí an toàn mỏ, khí hậu, môi trường cho chính bản thân ngành than cũng phải tăng lên.

 

“Nếu_Việt Nam phải đào 11 m3 đất đá thì mới có than thì Inđônêxia chỉ cần đào từ 3-5m3 đất đá. Ngoài ra, trình độ khai thác cơ giới hóa của nước ta thấp hơn nhiều so với các nước khác. Đây chính là những nguyên nhân là đội giá thành sản phẩm so với các nước xuất khẩu than khác trên thế giới”, ông Biên nói.

 

Với ngành thép, theo VSA, vấn đề đặt ra là giá thép Việt Nam cao hơn so với thép Trung Quốc nhập khẩu cùng chủng loại và muốn hay không muốn, điều này cũng phản ánh năng lực sản xuất và cạnh tranh của ngành thép trong cuộc chơi hội nhập.

 

“Nguồn cung lớn, đồng thời phải cạnh tranh với thép ngoại giá rẻ nhập khẩu dẫn đến sự cạnh tranh giữa các DN sản xuất thép trên thị trường trong nước khá khốc liệt, chưa kể cạnh tranh với thép ngoại khi sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang các nước”, VSA cho biết.

 

Khi nói về năng lực cạnh tranh của ngành thép trong nước, đại diện một DN FDI từng cho biết, nếu xét sức cạnh tranh về mặt kỹ thuật thì DN Việt Nam rất ổn, nhưng về mặt giá cả thì không ổn. Hiện nay, khách mua hàng đều so sánh giá cả của thép Việt Nam với thép Trung Quốc, trong khi giá thép Việt Nam cao hơn.

 

Ông Lê Quốc Phong
Chủ tịch – Tổng giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền

-------------------------------

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập nên hàng rào thuế quan cũng chỉ có thể ở một chừng mức nào đó. Vì vậy, bản thân các DN cũng phải đầu tư cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đó mới là điều hợp lý chứ không chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Nam
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại

-------------------------------
Việt Nam không thể đóng cửa, mãi áp dụng rào cản thương mại. Để cạnh tranh, ngành thép dùng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng làm như vậy cũng chỉ được 1-2 lần. Điều quan trọng là tự bản thân ngành thép phải thay đổi, phải cải cách, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Nếu cứ trông chờ biện pháp phòng vệ như vậy thì không thể tồn tại được.

Ts. Lê Văn Bảnh
Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long

-------------------------------

Muốn bỏ tiền để ưu tiên mua hàng Việt cũng khó. Người tiêu dùng khi mua hàng đều quan tâm đến chất lượng mặt hàng, giá cả cạnh tranh, và thương hiệu đảm bảo uy tín. Nếu hàng Việt thoả mãn ba điều kiện này, chẳng tội gì người Việt Nam lại đi mua hàng ngoại.

 

 

Nguồn Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang